Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: 'Chúng ta vững tin thực hiện trọng trách trong Hội đồng Nhân quyền'

Thứ hai - 17/10/2022 09:06
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: 'Chúng ta vững tin thực hiện trọng trách trong Hội đồng Nhân quyền'
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

TTO - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền có nhiều ý nghĩa, cho thấy một đất nước chuộng hòa bình. Ông cũng nêu ra một số ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ lần này.

* Xin bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng khóa 77 diễn ra tại New York (Hoa Kỳ) vào ngày 11-10-2022?
- BỘ TRƯỞNG BÙI THANH SƠN: Cùng với các vấn đề an ninh, hòa bình và phát triển, vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là một trong ba trụ cột của Liên Hiệp Quốc. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta nhất quán xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.
Quan điểm đúng đắn này đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật, theo đó các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, nỗ lực thúc đẩy quyền con người cả trong nước và trên thế giới.
Chúng ta đã đảm nhận thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, tích cực thúc đẩy đối thoại và hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, sự kiện tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, điều này góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, trong đó tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng có tầm chiến lược, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Thứ ba, việc tham gia và đóng góp tích cực trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo; đồng thời, góp phần quan trọng giúp các cấp, các ngành và toàn dân cũng như bạn bè quốc tế hiểu đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở nước ta. 
Bên cạnh đó, chúng ta có thể tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của Liên Hiệp Quốc và các đối tác quốc tế để thực hiện ngày càng tốt quyền con người, quyền công dân và quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Khái quát lại, việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. 
Trong thành công chung đó có đóng góp của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đối ngoại và các bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu, tham mưu, chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai hiệu quả vận động ở nhiều cấp, nhiều kênh, nhất là kênh đối ngoại cấp cao và thông qua các phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ) và Geneva (Thụy Sĩ).
 
Các thành viên đoàn Việt Nam bắt tay sau khi có kết quả Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp
* Bộ trưởng có thể cho biết những định hướng và ưu tiên lớn của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền sắp tới?
- Thế và lực mới của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới cùng với những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và kinh nghiệm tích lũy từ việc đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong các nhiệm kỳ trước đây là những nền tảng rất quan trọng để chúng ta vững tin thực hiện các trọng trách trong Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.
Chúng ta sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự - chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật…
Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại ở phía sau.
 

Tác giả bài viết: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Nguồn tin: Báo Tuổi Trè

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay4,742
  • Tháng hiện tại111,097
  • Tổng lượt truy cập2,446,607
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây