Chân thành, tình cảm, tin cậy

Thứ năm - 05/05/2022 09:35
Chân thành, tình cảm, tin cậy
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bức thư pháp "Chân thành - Tình cảm - Tin cậy - Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bức thư pháp "Chân thành - Tình cảm - Tin cậy - Ảnh: TTXVN.

Rất tinh tế và ý nghĩa là bức thư pháp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân chuyến thăm của ngài Kishida Fumio đến Hà Nội.

Bức thư pháp chỉ gồm các chữ: "Chân thành, tình cảm, tin cậy", được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật (Kanji).
Chân thành là cách cư xử thành thật, là làm mọi việc xuất phát tự đáy lòng. Trong quan hệ với đối tác, "chân thành" được hiểu là sự trân trọng, sự đối đãi hết lòng, không nước đôi, không trục lợi.
Tình cảm là sự yêu mến, gắn bó. Đây là cảm xúc mà người ta chỉ có thể có được đối với những người thật sự thân thiết, thật sự gần gũi, thật sự chung tình.
Tin cậy là đáng tin đến mức có thể dựa hẳn vào, trông cậy vào. Những người đáng tin cậy là những người không bao giờ thất hứa, không bao giờ thay lòng, đổi dạ.
Chân thành, tình cảm, tin cậy chính là điều kiện để hai nước có thể kề vai, sát cánh bên nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của thế kỷ 21. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, muốn đi nhanh, đi một mình chưa chắc đã nhanh. Nhưng muốn đi xa, đi cùng nhau chắc chắn sẽ xa hơn. 
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không có giới hạn. Không có giới hạn cho các lĩnh vực hợp tác, không có giới hạn cho mức độ hợp tác và không có giới hạn cho sự tham vấn cùng nhau. 
Rõ ràng khi đã chân thành, đã tình cảm, đã tin cậy thì không có vấn đề gì không thể thảo luận với nhau, không thông điệp gì không thể gửi đến cho nhau.
Chân thành, tình cảm, tin cậy là những phẩm chất của con tim nhiều hơn là của khối óc. Cho dù những phẩm chất này phải được hình thành trên cơ sở nhận thức và chiêm nghiệm của khối óc thì chúng vẫn có khả năng độc lập định hướng và dẫn dắt chúng ta trong mọi hành động và suy nghĩ của mình. 
Chúng quả thực là một thứ trí tuệ. Người ta gọi đó là trí tuệ của cảm xúc hay là trí tuệ của con tim. Không chỉ trí tuệ của khối óc, mà cả trí tuệ của con tim đang định hướng và dẫn dắt mối quan hệ Việt - Nhật. 
Một giai đoạn phát triển mới về chất trong hợp tác và phát triển đang mở ra cho hai nước chúng ta. Và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng các thành tựu mới trong mọi mặt của công cuộc hợp tác đang chờ ở phía trước.
Chân thành, tình cảm, tin cậy có lẽ chủ yếu đang là nền tảng để hợp tác thành công với Nhật Bản. 
Phấn đấu để đây trở thành nền tảng để hợp tác với nhiều nước khác là điều không dễ, nhưng đây là cách chắc chắn nhất để chúng ta bảo đảm an ninh và các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững của mình. 
Và nếu nền tảng này áp dụng được trong quan hệ với các nước khác, chắc chắn hình ảnh và uy tín của Việt Nam hẳn sẽ được nâng lên rất nhiều, trở thành một đối tác chân thành, tình cảm, tin cậy.
 

Tác giả bài viết: T.S Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn tin: Báo Tuổi Trè

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây