Hội nghị có sự tham dự của hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: "Chủ đề của Đối thoại Hữu nghị 2024 đề cập đến vấn đề thiết yếu và cấp bách hiện nay. Trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu".
Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, về khía cạnh nội tại, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
Mục tiêu của Thành phố là nâng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao trong tổng GDP của Thành phố từ 23% hiện nay lên 40% vào năm 2030, không chỉ giúp duy trì sự đóng góp vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của Thành phố trong cả nước và khu vực. Ngoài ra, xu hướng toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững.
Để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP.HCM cần đáp ứng những tiêu chuẩn này. TP.HCM đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương. TP.HCM cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tổng quan về chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM. Sau đó, các đại biểu cùng nhau thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế, bao gồm kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (PPP, tài chính, nhân lực…). Các đại biểu cũng đánh giá những khó khăn, thách thức của TP.HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với TP.HCM.
Chiều 24/9, trong khuôn khổ sự kiện Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ 2 năm 2024, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế TP.HCM, đánh dấu mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa TP.HCM và các địa phương, đối tác quốc tế.
Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế được đặt tại Công viên Bến Bạch Đằng, một không gian yên bình giữa lòng TP.HCM là minh chứng sống động cho tầm nhìn của Thành phố trong việc nâng tầm công tác đối ngoại, đồng thời gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp về sự chào đón, cởi mở và khát vọng vươn mình ra thế giới, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng.
Phần nổi bật trên cùng của Biểu tượng là vòng tròn Mobius - biểu tượng của sự vô hạn, tượng trưng cho sự phát triển liên tục, bền vững và không có điểm dừng. Đây là cánh cửa kết nối giữa TP.HCM với thế giới, giữa thế giới với Thành phố. Với công nghệ 3D Mapping tiên tiến và màng nước, vòng tròn Mobius không chỉ là biểu tượng của sự kết nối mà còn là phương tiện để trình diễn những hình ảnh văn hóa, nghệ thuật, nhằm giới thiệu vẻ đẹp, lan tỏa sự hiếu khách đến bạn bè quốc tế. Vòng tròn đế của biểu tượng khắc tên các địa phương đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM.
Trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 sẽ diễn ra các hoạt động ngoại giao công chúng khác như biểu diễn dù lượn, khinh khí cầu, giới thiệu ẩm thực Việt Nam…
Tác giả bài viết: Kim Hảo (t/h)
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn