Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đệm đàn cho ca sĩ Nhật Bản hát bài của Thái thượng hoàng

Thứ tư - 29/11/2023 08:46
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đệm đàn cho ca sĩ Nhật Bản hát bài của Thái thượng hoàng
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chào Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chào Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Như một minh chứng cho sự gắn kết về văn hóa và con người, NSND Đặng Thái Sơn đã đệm piano cho giọng ca tài năng của Nhật Bản hát bài "Âm hưởng lời ca" do Thái thượng hoàng và Hoàng thái hậu Nhật Bản sáng tác tối 28-11.

 

Tiết mục kết hợp đặc biệt ý nghĩa đó diễn ra tại lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại thủ đô Tokyo của Nhật tối 28-11.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Nukaga Fukushiro đã dự sự kiện trang trọng này cùng nhiều quan chức hai bên, những người bạn Nhật Bản thân thiết với Việt Nam.

Mối nhân duyên Việt Nam - Nhật Bản từ 1.300 năm trước

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã nhắc lại lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Ông nhấn mạnh vượt qua cách biệt về địa lý, mối nhân duyên giữa hai nước đã được khởi nguồn từ rất sớm, khoảng 1.300 năm trước, khi Đại sư Phật Triết vùng Lâm Áp, Việt Nam tới Nara để giao lưu Phật giáo và âm nhạc.

Hơn 500 năm trước, những con thuyền "Châu Ấn" của Nhật Bản đến Việt Nam để giao thương, đồng thời để lại di sản lịch sử quý báu tại Hội An như khu phố Nhật Bản và câu chuyện tình đẹp như trong cổ tích giữa thương nhân Araki Sotaro và Công chúa Ngọc Hoa.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và sau 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác, hữu nghị hai nước đã phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn.

Điều đó là bởi sự tương đồng về văn hóa, sự giao thoa lợi ích, sự tin cậy chính trị và đặc biệt với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

"Hình ảnh hoa anh đào, áo kimono... ngày càng trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Ngược lại, những nét văn hóa Việt Nam qua bộ áo dài, hình ảnh hoa sen, các món ăn ưa thích của Việt Nam như phở, bánh mì... cũng dần trở nên quen thuộc ở đất nước Nhật Bản", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng lớn mạnh với hơn nửa triệu người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Đối với Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng hàng đầu và lâu dài, mà còn là những người bạn đồng hành chân thành, tin cậy. 

Ông cũng nhấn mạnh việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới là một bước tiến "đặc biệt quan trọng" trong quan hệ hai nước.

Sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, theo ông Bùi Thanh Sơn, không chỉ đem lại lợi ích cho hai dân tộc, mà sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á và trên thế giới.

Hoạn nạn có nhau

Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Nikai Toshihiro cũng chia sẻ sự vui mừng trước những bước phát triển của hai nước.

Ông bày tỏ: "Mỗi lần có dịp sang thăm Việt Nam, tôi lại càng cảm nhận được sự giao lưu từ trái tim đến trái tim giữa nhân dân hai nước trong suốt thời gian dài trở thành nền tảng cho quan hệ tin cậy vững chắc giữa hai nước hiện nay".

Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko thì cho rằng việc duy trì thường xuyên các hoạt động hợp tác đã gây dựng, vun đắp nền tảng tình bạn của nhân dân hai nước.

Bà nhắc lại sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhất là trong tình huống cấp bách như ứng phó với thảm họa động đất sóng thần xảy ra tại đông bắc Nhật Bản năm 2011, mưa bão và lũ lụt tại Việt Nam, đối phó với đại dịch SARS và COVID-19.

Nhắc đến tầm nhìn 50 năm tiếp theo, dựa trên quan hệ đối tác đã được nâng cấp mạnh mẽ lên một tầm cao mới, bà Kamikawa Yoko bày tỏ mong muốn của Nhật Bản được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để đưa quan hệ hai nước sang một trang sử mới.

"Những sự kiện kỷ niệm đã và đang diễn ra sôi nổi tại hai nước đã giúp chúng ta cảm nhận được sự gắn kết sâu sắc từ trái tim đến trái tim không chỉ giữa Chính phủ mà còn giữa doanh nghiệp, giới học giả và nhân dân hai nước", Ngoại trưởng Nhật Bản chia sẻ.

Tiếng đàn từ Việt Nam cho lời ca của nước Nhật

Tiết mục biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn và hai nghệ sĩ Nhật Bản tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Tiết mục biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn và hai nghệ sĩ Nhật Bản tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Sau phần phát biểu của quan chức hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương, các khách mời thưởng thức chương trình hòa nhạc hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, với phần trình diễn của các nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng NHK Nhật Bản cùng các nghệ sĩ khách mời, qua phần chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Mở đầu chương trình là tác phẩm đặc biệt "Âm hưởng lời ca" do Thái thượng hoàng Akihito và Hoàng thái hậu Michiko sáng tác.

Tác phẩm được nghệ sĩ piano xuất sắc - NSND Đặng Thái Sơn của Việt Nam đệm đàn piano, nghệ sĩ Omiya Rintaro của Nhật Bản với violon và giọng ca tài năng của Nhật Bản, ca sĩ Miura Daichi cùng thể hiện.

Với NSND Đặng Thái Sơn, nước Nhật không hề xa lạ và ông cũng là một nghệ sĩ Việt Nam nhận được nhiều sự tôn trọng tại xứ sở hoa anh đào. Năm 1980, ông nhận giải đặc biệt của NHK tại Cuộc thi Chopin quốc tế Warsaw, một năm sau đó đã có chuyến lưu diễn với 20 buổi tại Nhật Bản.

Hơn 30 năm qua, ông đã giảng dạy các lớp cao học tại các trường âm nhạc hàng đầu như Đại học Nghệ thuật Tokyo, Trường Âm nhạc Toho. Ông là thành viên ban giám khảo của hầu hết các cuộc thi piano quốc tế quan trọng tại Nhật Bản như Hamamatsu, Sendai và Takamatsu.

Lễ kỷ niệm ngày 28-11 với sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân tại Tokyo là sự kiện nổi bật, càng có ý nghĩa sau khi hai nước nâng cấp quan hệ - Ảnh: TTXVN

Lễ kỷ niệm ngày 28-11 với sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân tại Tokyo là sự kiện nổi bật, càng có ý nghĩa sau khi hai nước nâng cấp quan hệ - Ảnh: TTXVN

Những nghệ sĩ Nhật Bản biểu diễn tại lễ kỷ niệm cũng ít nhiều có kỷ niệm với Việt Nam. Nhưng với nhạc trưởng Htonna Tetsuji, đây là một sự kiện đặc biệt sẽ bổ sung vào danh sách những kỷ niệm của ông với nước Việt. Ông từng là cố vấn âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc rồi chỉ huy chính Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam từ năm 2009.

Một ca khúc mang tên "Và hoa sẽ nở" cũng được trình diễn trong chương trình, với phối khí dành riêng cho đàn Koto của Nhật Bản và dàn nhạc cùng sự tham gia của nghệ sĩ Endo Chiaki.

Bên cạnh những giai điệu kinh điển của thế giới do các nghệ sĩ hai dàn nhạc biểu diễn, NSND Đặng Thái Sơn, người được mệnh danh "người nghệ sĩ được Chopin yêu mến", đã trình diễn giai điệu mượt mà của bài "Nocturne Op.20 sharp minor".

Ông đặc biệt gây xúc động với bản dân ca Việt Nam "Trống cơm" biểu diễn cùng dàn nhạc hai nước. Đây cũng là giai điệu khép lại lễ kỷ niệm đầy cảm xúc.

Tác giả bài viết: Duy Linh

Nguồn tin: Báo Tuổi Trè

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây