Sau thời gian tích cực thực hiện, đến nay công tác chuẩn bị cho Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (Festival lúa gạo) đã hoàn thành tất cả các khâu, sẵn sàng cho sự kiện mang tầm quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Nổi bật trên những con đường
Những ngày này, chạy dọc theo các tuyến đường nội ô của thành phố Vị Thanh như: đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn An Ninh… sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh cờ Đảng, cờ nước, cờ phướn, những băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về nội dung Festival lúa gạo được Ban tổ chức Festival tỉnh trang trí rất lộng lẫy. Ngoài ra, tại những ngã ba, ngã tư của các tuyến đường còn có những chiếc xuồng chở đầy ắp những bó lúa chín vàng của người nông dân; từ đó tạo dấu ấn và không khí sôi nổi cho người dân địa phương nói riêng và du khách khi đến tham quan Festival nói chung.
Nhiều tuyến đường nội ô thành phố Vị Thanh được trang trí lộng lẫy để chào đón Festival.
Ông Nguyễn Trung Kiên, người dân sống trên tuyến đường Nguyễn An Ninh, phường IV, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Tuyến đường trước nhà được trang trí nổi bật khoảng 10 ngày nay để chào đón Festival lúa gạo được tỉnh nhà đăng cai tổ chức. Đặc biệt, ngày càng cận kề Festival thì không khí càng thêm sôi động, vui tươi khi đi đâu ở nội ô thành phố Vị Thanh cũng đều nghe người dân bàn tán xôn xao vì sự tự hào và đang rất chờ đón ngày khai mạc sự kiện mang tầm quốc tế khi lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam mà ngay trên quê hương Hậu Giang”.
Bên cạnh những tuyến đường trên thì có lẽ tuyến đường đang tạo sự quan tâm, chú ý và thu hút đông đảo người dân đến xem chính là mô hình “Con đường lúa gạo Việt Nam” đã được thực hiện hoàn thành nằm trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, phường V, thành phố Vị Thanh. Con đường lúa gạo có chiều dài hơn 1km, đây là nơi tái hiện lại quá trình phát triển sản xuất của ngành hàng lúa gạo từ khi sơ khai đến lúc hạt gạo Việt Nam vươn ra tầm thế giới như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Khang (69 tuổi), người dân ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tôi thật bất ngờ khi đi tham quan Con đường lúa gạo. Ngoài vẻ đặc sắc, hấp dẫn trong việc Ban tổ chức Festival tạo dựng những mô hình canh tác lúa từ xa xưa cho đến nay thì điều tôi cảm thấy bất ngờ là có những dụng cụ làm nông từ rất lâu năm mà nay vẫn được sưu tầm có và trưng bày trên con đường lúa gạo. Chẳng hạn như cối, chày giã gạo; táu đong lúa, cây cày, cây bừa dùng cho trâu kéo hay những ngôi nhà tranh vách lá ngày xa xưa…
Một điểm khác cũng khá đặc sắc và thu hút du khách đến với Con đường lúa gạo là nơi đây có xây dựng bản đồ lúa gạo Việt Nam. Bản đồ được hình thành từ việc kết nối 63 giống lúa đặc sản, đặc trưng của các tỉnh, thành trên cả nước. Với những đặc trưng riêng của mình nên Con đường lúa gạo và Bản đồ lúa gạo Việt Nam được Ban tổ chức Festival lúa gạo tỉnh đề nghị và được chấp thuận về việc xác lập kỷ lục Việt Nam. Chính sự hấp dẫn của Con đường lúa gạo nên nơi đây đã và đang tấp nập du khách đến tham quan trải nghiệm.
Đảm bảo các khâu trong tổ chức
Cùng với sự nổi bật trên các tuyến đường nội ô của thành phố Vị Thanh thì công tác chuẩn bị cho các chuỗi sự kiện của Festival đến nay cũng đã hoàn thành, sẵn sàng cho Festival diễn ra theo kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Truyền thông quốc tế Expo, cho hay: Đến ngày 9-12 vừa qua, việc dựng và lắp ráp sân khấu chính phục vụ cho Festival, cũng như các nhà bạc phục vụ việc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố cả nước, triển lãm chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, triển lãm của doanh nghiệp liên quan đến ngành hàng lúa gạo, khu ẩm thực đã được đơn vị triển khai hoàn thành; đồng thời các đơn vị, tổ chức có liên quan cũng tiến hành đưa sản phẩm vào trưng bày theo sự hướng dẫn của Ban tổ chức Festival.
Theo thống kê nhanh của đơn vị tổ chức sự kiện thì đến ngày 10-12, có 115 đơn vị đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Festival, với số lượng 486 gian hàng. Ngoài các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo chuỗi hoạt động của festival thì một trong những địa điểm được Ban chỉ đạo Festival lúa gạo đặc biệt quan tâm là tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Bởi nơi đây sẽ diễn ra 4 cuộc hội thảo về ngành hàng lúa gạo mang tầm quốc tế do Bộ NN&PTNT đứng ra tổ chức.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT, cũng như đơn vị tổ chức sự kiện tiến hành trang trí, sắp xếp vị trí chỗ ngồi tại các hội trường diễn ra hội thảo, cũng như tại các phòng họp song phương giữa lãnh đạo Việt Nam với một số tổ chức quốc tế về ngành hàng lúa gạo. Đến ngày 10-12, mọi công tác chuẩn bị từ khâu trang trí, vệ sinh đến âm thanh, ánh sáng bên trong và ngoài tại Trung tâm hội nghị tỉnh đã hoàn thành; sẵn sàng và đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho những chuỗi sự kiện Festival lúa gạo diễn ra tại Trung tâm hội nghị tỉnh.
Ngoài Trung tâm hội nghị tỉnh thì Bộ NN&PTNT còn tổ chức buổi trình diễn các trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất lúa gạo tại Festival lần này. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho hoạt động trên đã hoàn thành các khâu, trong đó cách nay khoảng 15 ngày, cặp điểm trình diễn thiết bị máy móc thì Bộ NN&PTNT đã phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tiến hành thực hiện mô hình sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao để giới thiệu cho đại biểu trong và ngoài nước biết đến; đồng thời đây cũng là hoạt động gắn với việc Chính phủ chính thức phát động thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao cho các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Song song với các chuỗi hoạt động trên thì theo báo cáo của Tiểu ban lễ tân - hậu cần Festival, đến ngày 10-12, mọi công việc chuẩn bị đều hoàn thành theo kế hoạch, sẵn sàng cho Festival diễn ra. Theo đó, hiện có 264 đại biểu quốc tế (đến từ 37 quốc gia) xác nhận tham dự, trong đó có 19 tổ chức và 12 doanh nghiệp quốc tế. Về đại biểu trong nước có 580, gồm đại biểu Trung ương, các tỉnh, thành và doanh nghiệp trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin: Hiện đơn vị đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sắp xếp và bố trí nơi ăn, ở cho đại biểu quốc tế và trong nước khi đến tham dự Festival. Bên cạnh đó, đã tham mưu cho UBND tỉnh về danh sách số lượng và tổ chức phát thư mời cho đại biểu tham dự tiệc chiêu đãi, cũng như đêm gala. Mặt khác, đơn vị đã phối hợp với Bộ NN&PTNT chuẩn bị chu đáo các nội dung, bài phát biểu, bài tham luận và kịch bản chương trình tại các buổi hội thảo do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chia sẻ: Hiện sở đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và đơn vị tổ chức sự kiện xây dựng xong kịch bản, nội dung chương trình khai mạc Festival được diễn ra vào tối ngày 12-12. Chương trình khai mạc được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều ý nghĩa đặc sắc để quảng bá về hình ảnh ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước.
Cùng với các ngành trên thì đơn vị công an, điện lực, y tế, cấp thoát nước,… của tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân thực hiện tốt công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao tại thời điểm trước, trong và sau Festival diễn ra.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Sự phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan có liên quan của Trung ương; đồng thời cộng với sự vào cuộc tích cực trong công tác chuẩn bị của các cơ quan liên quan của tỉnh và đơn vị tổ chức sự kiện nên đến ngày 10-12, mọi công tác chuẩn bị cho Festival lúa gạo được tổ chức tại Hậu Giang đã hoàn thành những nội dung và sẵn sàng cho Festival được diễn ra theo đúng kế hoạch. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các khâu của Bộ NN&PTNT, cũng như của tỉnh thì Festival lần này sẽ mang đến sự đặc sắc, mới mẻ; đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Từ đó, tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế.
Trực tiếp đi kiểm tra về công tác chuẩn bị Festival lúa gạo vào sáng ngày 10-12, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Hậu Giang về việc phối hợp với các cơ quan liên quan của Trung ương và Bộ NN&PTNT trong công tác chuẩn bị chu đáo và hoàn thành các khâu đúng tiến độ đề ra. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp tốt và chặt chẽ trong việc triển khai các công việc tiếp theo để Festival lúa gạo diễn ra thành công và đạt được những mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch thì Festival lúa gạo sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 15-12 này, với 17 chuỗi hoạt động. Trong đó, hoạt động đầu tiên tại Festival là vào sáng ngày 11-12, sẽ diễn ra lễ khai mạc và cắt băng khánh thành Con đường lúa gạo Việt Nam gắn với trao kỷ lục Việt Nam cho 2 hạng mục là Con đường lúa gạo và Bản đồ lúa gạo. |
Tác giả bài viết: Hữu Phước
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn