Tiếng Việt - chiếc neo - níu giữ kiều bào với nguồn cội

Thứ hai - 21/10/2024 09:42
Tiếng Việt - chiếc neo - níu giữ kiều bào với nguồn cội
Sau khóa học "Bước đệm đến Việt Nam", ông Jean Baptiste Phạm có thể đọc, viết và nói chuyện bằng tiếng Việt. (Ảnh chụp màn hình: Minh Thái)
Sau khóa học "Bước đệm đến Việt Nam", ông Jean Baptiste Phạm có thể đọc, viết và nói chuyện bằng tiếng Việt. (Ảnh chụp màn hình: Minh Thái)
Tiếng Việt không chỉ là một phương tiện giao tiếp, mà còn là sợi dây vô hình gắn kết những người con xa xứ với cội nguồn, giúp họ tìm lại ký ức, bản sắc và tình yêu quê hương giữa những thay đổi của cuộc sống.

Hành trình tìm về quê hương qua tiếng Việt

Ông Jean Baptiste Phạm, một người Pháp gốc Việt, sinh ra và lớn lên trong nền giáo dục Pháp từ năm 4 tuổi. Khi về hưu, ông luôn day dứt vì sự thiếu vắng của tiếng Việt trong cuộc đời mình. Ông nói: "Tôi luôn cảm thấy chơi vơi, không biết mình thuộc về nơi nào. Tại sao tôi là người Việt mà lại không nói được tiếng Việt, không hiểu được văn hóa Việt Nam?". Câu hỏi này thôi thúc ông tìm hiểu về Việt Nam để trở về với nguồn gốc.
 

Khát khao tìm về cội nguồn đã thôi thúc ông Jean Baptiste Phạm đến với khóa học "Bước đệm đến Việt Nam". Khóa học không chỉ cung cấp những kiến thức về lịch sử, kinh tế, văn hóa Việt Nam mà còn giúp người học làm quen và nâng cao khả năng tiếng Việt. Học viên của chương trình rất đặc biệt, có độ tuổi trải dài từ 18 đến 80, là con em của các gia đình gốc Việt hoặc những người Pháp có tình cảm đặc biệt với Việt Nam.

Chương trình được sáng lập bởi Giáo sư Pierre Journoud từ Đại học Paul Valéry Montpellier 3, một người gắn bó với Việt Nam từ năm 1997. Có con trai mang hai dòng máu Pháp - Việt, Giáo sư Pierre Journoud và vợ ông - Tiến sĩ ngôn ngữ Nguyễn Thanh Hoa, giảng viên Tiếng Việt tại Đại học Paul Valéry Montpellier 3, cảm nhận sâu sắc khát khao gìn giữ văn hóa quê hương của cộng đồng người Việt tại Pháp. Tiếng Việt chính là chiếc neo níu giữ họ với cội nguồn.

Sau gần 6 năm, hơn 100 sinh viên đã tốt nghiệp khóa học này. Nhiều người tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam, nâng cao trình độ tiếng Việt và đến Việt Nam du lịch, làm việc.

Đối với Jean Baptiste Phạm, khóa học đã giúp ông từ không thể giao tiếp bằng tiếng Việt đã có thể đọc, viết và nói chuyện bằng ngôn ngữ của tổ tiên mình. Ngày đầu tiên có thể diễn đạt suy nghĩ hoàn toàn bằng tiếng Việt, ông cảm thấy như vừa tìm lại mảnh ghép quan trọng của cuộc đời mà bấy lâu ông đánh mất.

"Tôi không còn là khách du lịch ở Việt Nam nữa! Tôi có thể đến các gia đình, học hỏi sâu hơn về đời sống và văn hóa Việt. Thú vị nhất là được sống với gia đình người Việt, được hòa nhập với dân tộc qua ngôn ngữ. Chương trình này giúp tôi thực sự cảm thấy mình là người Việt Nam", ông chia sẻ trên truyền hình.

Giờ đây, khi đã nắm vững tiếng Việt, mỗi chuyến về Việt Nam tham gia các hoạt động tình nguyện hay hỗ trợ giảng dạy đã trở thành những trải nghiệm đáng mong đợi đối với Jean Baptiste Phạm. Mỗi lần như vậy, ông có cơ hội trải lòng với quê hương, chìm đắm trong nền văn hóa Việt.

Học lại tiếng Việt ở tuổi 47

Đoan Bùi là con gái của một người Việt sang Pháp du học từ những năm 1970. Bà sinh ra và lớn lên tại quận Le Mans, cách thủ đô Paris chừng 200 km. Từ nhỏ, bà đã ít có cơ hội sử dụng tiếng Việt, ngoại trừ trong những cuộc trò chuyện gia đình. Tiếng Việt dần biến mất trong đời sống hằng ngày khi gia đình bà hội nhập vào xã hội Pháp.
 

Sau hơn 40 năm không nói một từ tiếng Việt, một biến cố gia đình đã thôi thúc Đoan Bùi tìm lại tiếng Việt. Bố của bà bị tai biến và mất khả năng giao tiếp. Bà cảm thấy quan hệ giữa mình và cha đang dần xa cách. "Tôi cảm thấy mình không biết gì về gốc gác của mình. Tôi xấu hổ vì mình mất gốc. Tôi không nói được tiếng mẹ đẻ và rơi vào bế tắc khi không thể học lại tiếng Việt. Dù ba tôi không nói được nữa, nhưng khi tôi dùng tiếng Việt, ông dường như hiểu nhiều hơn. Đó là động lực khiến tôi quyết định học lại tiếng Việt".

Ở tuổi 47, Đoan Bùi bắt đầu hành trình học lại tiếng mẹ đẻ. Đối với bà, việc học không chỉ là phục hồi ngôn ngữ, mà còn là tìm lại phần ký ức và gốc rễ đã bị lãng quên. Bên cạnh việc học với giáo viên, bà còn tự học qua podcast và nhạc rap Việt. “Tôi nghe nhiều bài rap Việt Nam, như “Tài sản của bố” của rapper ICD hay “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu. Điều thú vị là ở Pháp, chưa có rapper nào viết về đề tài báo hiếu như vậy, nên tôi thấy rất đặc biệt”, Đoan Bùi chia sẻ trên báo chí.

Tiếng Việt, đối với Đoan Bùi, giống như một kho báu bị chôn vùi trong tiềm thức, nơi mỗi từ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn mang theo ký ức, niềm tự hào và tình yêu quê hương. Việc khai phá kho báu ấy khiến bà vừa cảm động, vừa gần gũi với bản thân hơn.

"Tiếng Việt gợi nhớ về tuổi thơ, những câu hát ru của bà ngoại và mẹ, làm cho tôi cảm nhận lại được sự ấm áp của gia đình", Đoan Bùi cho biết trên một chương trình truyền hình năm 2023.

Hành trình học lại tiếng Việt không chỉ giúp Đoan Bùi kết nối với gia đình mà còn giúp bà khám phá lại bản sắc cá nhân. "Hai năm trước, tôi không thể nói được một từ tiếng Việt, nhưng giờ tôi đã có thể trò chuyện với bố, với gia đình. Hành trình học lại tiếng mẹ đẻ đã thay đổi tôi rất nhiều".

Ngoài việc là cây bút nổi tiếng của tuần san L’Obs, Đoan Bùi còn là tác giả của cuốn tự truyện “Người cha im lặng” (Le silence de mon père), kể về người bố bị tai biến và mất đi khả năng nói chuyện. Cuốn sách này đã mang về cho bà nhiều giải thưởng danh giá như giải Amerigo-Vespucci và giải văn học Porte Dorée năm 2016.

Câu chuyện của ông Jean Baptiste Phạm và nhà báo Đoan Bùi cho thấy, với những người con xa xứ, tiếng Việt không chỉ là một công cụ giao tiếp mà còn là ngọn hải đăng dẫn lối trở về với cội nguồn. Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, học lại tiếng mẹ đẻ không chỉ là cách khơi dậy ký ức, mà còn giúp họ tìm lại chính mình, gắn kết thêm tình yêu dành cho gia đình và quê hương.

Tác giả bài viết: Minh Thái

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay269
  • Tháng hiện tại122,108
  • Tổng lượt truy cập2,457,618
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây