Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam

Thứ hai - 22/04/2024 07:53
Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Hiệp định Geneve là một cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết sau 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá “Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế, được các nước tham gia Hội nghị Geneve công nhận và tôn trọng. Đây là thành quả đấu tranh quật cường của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống chủ nghĩa thực dân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở nước ta, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đó là, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Việc ký kết Hiệp định Geneve không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, mà còn mang ý nghĩa thời đại. Bởi đây là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Với nền ngoại giao nước ta, Hiệp định Geneve là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi, không chỉ khẳng định vị thế quốc gia độc lập và có chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, để lại nhiều bài học quý báu và tôi luyện nên nhiều nhà ngoại giao ưu tú trong thời đại Hồ Chí Minh.
 

- Xin Bộ trưởng cho biết việc ký kết Hiệp định Geneve đã để lại những bài học kinh nghiệm nào cho nền ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” hiện nay?

Có thể nói, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve là một cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay.

Bên cạnh những bài học về nguyên tắc như bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, Hiệp định Geneve để lại nhiều bài học còn nguyên giá trị về phương pháp và nghệ thuật ngoại giao mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc gắn kết với đoàn kết quốc tế để tạo nên "một sức mạnh vô địch". Trong quá trình đàm phán Hiệp định Geneve, chúng ta không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Đó là bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt, biến hóa về sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve, chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, song cơ động, linh hoạt có sách lược phù hợp với tương quan lực lượng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực để giành mục tiêu chiến lược.

Đó là bài học về luôn luôn coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, phải “biết mình”, “biết người”, “biết thời”, “biết thế” để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”. Đây là bài học sâu sắc còn nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới hiện nay đang biến động phức tạp và khó lường.

Đó là bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Đây là bài học mang tính thời đại, nhất là khi nhiều xung đột phức tạp đang diễn ra trên thế giới như hiện nay.

- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ, giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè tiến bộ thế giới dành cho Nhân dân Việt Nam trong quá trình tham gia, đàm phán và ký kết Hiệp định Geneve?

Cuộc đấu tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta phù hợp với xu thế của thời đại và nguyện vọng chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Do đó, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung, trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve nói riêng, chúng ta luôn nhận được sự ủng hộ to lớn và quý báu cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế, trước hết là từ Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong công cuộc Đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, chúng ta tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quý báu của cộng đồng quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng và mãi ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đồng thời trong khả năng của mình, luôn ủng hộ, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

- Cảm ơn Bộ trưởng!

Tác giả bài viết: Khang Anh

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây