Xóa rào cản địa lý
Giáp ranh về địa lý, lịch sử là “một gia đình” nên Hậu Giang và Cần Thơ gần như sở hữu những nét tương đồng, bổ khuyết cho nhau. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, bày tỏ quan điểm: “Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang luôn là một. Trong sự phát triển của Hậu Giang, chúng tôi thấy rằng có sự phát triển của thành phố Cần Thơ. Chúng tôi luôn luôn chia sẻ và đồng hành cùng nhau phát triển với tỉnh Hậu Giang”.
Với những thế mạnh hiện có của mỗi địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn rằng, thứ nhất, về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương luôn luôn có sự đồng hành, chia sẻ và cùng nhau phát triển. Thứ hai, là về các lĩnh vực về kinh tế - xã hội. Chia sẻ về các mô hình phát triển của hai địa phương, hỗ trợ các thế mạnh lẫn nhau. Thứ ba, chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm. Đây là những cái kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh. Thứ tư, hỗ trợ với nhau để thực hiện an sinh xã hội để làm sao hỗ trợ, giúp cho bà con mình có cuộc sống khá hơn, làm sao không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hai địa phương cùng nhau phát triển”.
Không chỉ liên kết nội vùng mà các tỉnh, thành ĐBSCL còn chú trọng liên kết liên vùng, đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đưa mối liên kết này lên một bước tiến mới và ngày càng bền chặt sẽ giúp từng bước lấp đầy những “khoảng trống” của từng địa phương.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình phối hợp có 5 lĩnh vực, dựa trên Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ. Đây là hai cơ sở chính trị, định hướng quan trọng để thiết kế chương trình phối hợp và duy trì thực hiện. Ông Mãi cho biết, cũng sẽ có các nội dung phối hợp trực tiếp, song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh không phải hỗ trợ mà là hợp tác và cùng các tỉnh ĐBSCL khai thác các cơ hội phát triển.
Từ nay đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục hợp tác, phát triển trên 5 lĩnh vực cụ thể. Đó là: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ - chuyển đổi số; và phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và lao động.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sự đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua có một phần đóng góp của các tỉnh ĐBSCL. “Mọi sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh là hiệu ứng lan tỏa ra cả vùng, thậm chí lan tỏa đến Cà Mau, hay lan tỏa ra phía Bắc. Do vậy, đây không phải là câu chuyện của riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà là câu chuyện của 13 tỉnh ĐBSCL để đón vận hội của Thành phố Hồ Chí Minh như đón vận hội của chính mình, bởi không gian kinh tế không có lằn ranh hành chính. Đối với câu chuyện liên kết vùng của ĐBSCL, nếu không định hình được liên kết kinh tế thì cuối cùng đó chỉ là mạng lưới hạ tầng”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Vươn tầm quốc tế
Hợp tác quốc tế cũng là một trong những điểm nhấn trong nỗ lực của Hậu Giang thời gian qua. Qua các lần xúc tiến đầu tư nước ngoài, Hậu Giang đã ký kết nhiều bản ghi nhớ, hợp tác ở các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức quốc tế đã về với Hậu Giang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư và triển khai các nội dung đã được ký kết…
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, gợi ý tỉnh Hậu Giang có thể hợp tác các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như: giáo dục, y tế, quản trị doanh nghiệp… Ông Madan Mohan Sethi cam kết sẽ hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ đến tìm hiểu, khảo sát các dự án mà Hậu Giang nói riêng và các địa phương trong khu vực ĐBSCL nói chung đang kêu gọi đầu tư để từ đó mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực này.
Theo quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL. Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Để làm được điều này, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giá trị cốt lõi của quy hoạch tỉnh, phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ…
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, bám sát chặt chẽ quyết định quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, bám sát chặt chẽ Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang vừa được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Hậu Giang phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến. Khai thác tối đa, tổng hợp yếu tố về văn hóa. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển, hướng thương mại - dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ…
“Hậu Giang sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ,…”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Mộng Toàn
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn