Hậu Giang: Hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược

Thứ năm - 09/11/2023 09:14
Hậu Giang: Hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược
Một góc Khu công nghiệp Sông Hậu - Hậu Giang. (Ảnh: Trung Quân)
Một góc Khu công nghiệp Sông Hậu - Hậu Giang. (Ảnh: Trung Quân)
(ĐCSVN) - Báo cáo giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá, 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược đề ra đầu nhiệm kỳ đến nay đạt nhiều kết quả tích cực.

Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao

Với đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh.

Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành đồng bộ, liên thông hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách để thực hiện nhiệm vụ đột phá thứ nhất: Bám sát các chủ trương, nghị quyết, quy định của Trung ương, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa đột phá chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với 03 nghị quyết, 05 đề án, 01 quy định, 01 kế hoạch về công tác cán bộ, trong đó có nhiều giải pháp mới, đột phá. Đó là Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/6/2022 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 01/6/2022 về việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 01/5/2023 về việc thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ.

Các nghị quyết, đề án có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết nhằm tạo đột phá hiện thực hoá mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới.

Qua quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương nêu trên, bước đầu đã tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự đồng thuận, nỗ lực, quyết tâm và khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở. 

  Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. (Ảnh: Đức Minh)

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách

Về đột phá hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hậu Giang đã tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ. Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển của tỉnh; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với 05 điểm nhấn thành công, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu và đầu tư một số dự án quan trọng. Tỉnh duy trì tổ chức Chương trình Càfe doanh nhân hàng quý, nhằm tạo không gian gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; là nơi để kết nối giữa các doanh nghiệp, diễn đàn giao lưu, để các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, tiếp cận những chính sách đầu tư mới. Tỉnh ủy đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và thực hiện mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, cụ thể các chỉ số (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) hàng năm đều được cải thiện về thứ hạng và chất lượng (năm 2022 các chỉ số cạnh tranh của tỉnh tăng từ 5 đến 26 bậc). Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã và đang được triển khai thực hiện tích cực trong hệ thống các ngành, lĩnh vực.

 Xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh

Với đột phá xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tỉnh Hậu Giang đã chủ động phối hợp với Đại học Fulbright xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đi sâu phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, nhận diện rõ cơ hội và thách thức, điểm nghẽn. Từ đó, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng đưa Hậu Giang thoát khỏi “vòng xoáy đi xuống”. Đồng thời làm cơ sở quan trọng để xây dựng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hậu Giang đã triển khai công tác lập quy hoạch rất bài bản, sâu sắc, toàn diện, khoa học và chất lượng, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển xuyên suốt trong quy hoạch tỉnh là “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”.

“Một tâm” là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. “Hai tuyến” là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu. “Ba thành” là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. “Bốn trụ” là phát triển 4 trụ cột gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch (theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo).

"Năm trọng tâm” là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, quy hoạch tỉnh đã thông qua Hội đồng thẩm định Trung ương, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

 

Tác giả bài viết: Đức Minh

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây