Tình sâu nghĩa nặng giữa hai miền Nam - Bắc

Thứ tư - 13/11/2024 15:13
Tình sâu nghĩa nặng giữa hai miền Nam - Bắc
Học sinh miền Nam trong những ngày học tập tại miền Bắc. (Ảnh tư liệu: KT)
Học sinh miền Nam trong những ngày học tập tại miền Bắc. (Ảnh tư liệu: KT)
Ở 87 tuổi, sức khỏe yếu nhưng ông Trần Trí Trác (trú tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) vẫn không quên những ngày đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết về Thanh Hóa cách đây 70 năm.

Dành những gì tốt nhất cho đồng bào miền Nam

Ông kể với phóng viên TTXVN: Ngày đó, những chuyến tàu tập kết là những chiếc tàu biển rất lớn nên phải neo đậu cách xa đất liền. Do đó, nhân dân Sầm Sơn phải dùng thuyền, bè mảng đánh cá nhỏ để đưa đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam từ tàu lớn vào bờ. Trên bờ, người dân ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và thị xã Thanh Hóa cơm đùm cơm nắm xuống Quảng Tiến để đón đồng bào miền Nam.
 

tinh sau nghia nang giua hai mien nam bac 20241113065900
Ông Trần Trí Trác, người trực tiếp đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) 70 năm trước. (Ảnh: TTXVN)

“Tôi vẫn nhớ như in ngày đó, đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam sau nhiều ngày lênh đênh trên biển có người bị say sóng, bị đói, bị ốm... Chúng tôi đã cắt cử phụ nữ, thanh niên xuống thuyền để bê đỡ đồ đạc; dìu, cõng các cháu nhỏ đi vào cầu, rồi lên lán A. Tại lán A, các lực lượng đã chuẩn bị sẵn thuốc men, cháo đậu xanh, cơm... để trợ lực cho đồng bào, cán bộ, chiến sỹ.
 

Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, kinh tế miền Bắc nói chung, Thanh Hóa và Sầm Sơn nói riêng rất khó khăn, cuộc sống thiếu thốn. Dù còn vất vả, nghèo khó nhưng nhân dân Quảng Tiến, nhân dân Thanh Hóa lúc đó đã dành những gì tốt nhất cho đồng bào miền Nam", ông Trần Trí Trác nói.

Còn thầy giáo Nguyễn Văn Hưởng (85 tuổi), nguyên Trưởng phòng Phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre không cầm được nước mắt mỗi lần đọc những câu thơ của thầy Trần Văn Bực, cố Hiệu trưởng trường Học sinh miền Nam số 2 Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) - nơi 70 năm trước ông Hưởng còn là một học trò,:

Cái thuở ấy mẹ cha đi đánh giặc

Gửi con ra miền Bắc xa xôi

Nhà chúng ta mỗi người mỗi ngả

Xa nhau rồi ngơ ngác nhớ nhau…

Ông Hưởng kể, năm 1954 ông là học sinh trường tiểu học ở huyện Châu Thành, Bến Tre. Khi đang nghỉ hè ở nhà ông bà nội thì ông được ba má gọi về rồi chỉ 3 ngày sau đó, cậu học trò Hưởng cùng với hai người bạn, là con của liệt sĩ Công an, được đưa xuống một con tàu nhỏ để về Cà Mau trong hành trình rất vất vả và suýt thiệt mạng vì tàu bị cháy ở sông Ngã Bảy.

Sau 3 tháng được học chính trị, tìm hiểu phong tục tập quán ở miền Bắc, cuối tháng 10/1954, Hưởng có mặt trên tàu Stavropol số 19 của Liên Xô cùng hàng trăm người con miền Nam tập kết ra Bắc. “Lúc mới xuất bến thì trời yên biển lặng nhưng khi tới vùng biển Thanh Hóa thì bão về, tàu phải vật lộn với sóng to, gió lớn rồi được lệnh trú tại đảo Hòn Mê cách đất liền khoảng 6 hải lý. Suốt một tuần đó, bà con Thanh Hóa dùng ghe chở lương thực, thực phẩm ra tiếp tế. Mỗi khi con tàu chao đảo, những người phụ nữ dìu nhau, vực dậy trước cơn say sóng. Ngày đó tôi chỉ mới 15 tuổi nhưng vốn là dân sông nước nên chế ngự được cơn say, thi thoảng choáng váng một chút. Thương nhất mấy chú bộ đội là thương binh nặng, sức khỏe yếu nên bị say sóng dữ dội”, ông Hưởng kể lại với phóng viên báo Công an nhân dân.

Khi bão tan, bầu trời chỉ còn vần vũ những cơn mưa, đoàn người được lên bờ, bố trí ở tạm nhà dân nhưng được chăm sóc chu đáo. Tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” với những bài hát truyền thống khích lệ như “kết đoàn, chúng ta là sức mạnh” vang lên trong màn đêm của biển trời Sầm Sơn, sống mãi trong ông cho đến bây giờ….

Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, nhân dân Quảng Tiến, Sầm Sơn đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.992 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc.

Để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào miền Nam khi đó, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập hàng chục trạm đón tiếp, xây dựng nhiều bệnh viện, trạm xá để tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngay từ những ngày đầu đặt chân trên đất Bắc. Tỉnh Thanh Hóa khi đó cũng đã phát động phong trào quyên góp lương thực, thực phẩm; cung cấp quần áo, chăn màn và các điều kiện cần thiết khác cho đồng bào miền Nam.

Sau những ngày đón tiếp, đồng bào miền Nam đã được đưa đến nhiều tỉnh, thành của miền Bắc: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác. Những người ở lại, được nhân dân Thanh Hóa chăm sóc, nuôi dưỡng học tập, lao động, sản xuất.

70 năm ấy biết bao nhiêu tình

Thăm lại Hải Phòng, bà Nguyễn Bích Lan (83 tuổi), nguyên giáo viên Trường THPT Thái Phiên, nghẹn ngào nhớ đến sự cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo mà nhân dân, thầy cô Hải Phòng dành cho bà và nhiều thế học sinh miền Nam.
 

Ngược dòng thời gian 70 năm về trước, những cô cậu học trò đang tuổi niên thiếu từ miền Nam xa xôi vượt Trường Sơn tập kết ra Bắc. Ngày đầu đặt chân lên đất Bắc, sự bỡ ngỡ, lạ lẫm về vùng đất, con người mới lạ như bị xóa nhòa khi học sinh miền Nam được nhân dân miền Bắc giang rộng vòng tay yêu thương đón nhận. Đồng bào đưa học sinh về nhà ở, nhường cho ngủ trên phản, còn gia đình túm tụm trên ổ rơm hay tấm chiếu manh đã rách trải trên nền đất. Mùa đông, gió bắc hun hút lùa qua khe cửa, nằm phản được đắp chiếu đỡ lạnh chứ nằm trên nền đất buốt thấu da.

Bà Lan kể, hồi đó đồng bào miền Bắc nghèo, khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng trong điều kiện của mình, vẫn dành tất cả điều tốt đẹp nhất cho học sinh miền Nam. Học sinh miền Nam được ăn cơm gạo trắng, có thịt, cá, còn gia đình ăn củ chuối, khoai sắn độn không đủ no. Kể cả gia đình có con nhỏ tuổi hơn nhưng phần ăn ngon, ăn đủ vẫn dành cho con của đồng bào miền Nam. Do vậy, nhiều lần bà Lan cùng các bạn phải giấu bớt rồi lén chia cơm trắng, thức ăn cho các em nhỏ tại các gia đình mình ở.

Còn với ông Nguyễn Ngọc Trai, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, không quên thời điểm cuối năm 1964, ông cùng các bạn đang học ở trường 13, khi có chiến tranh phá hoại, trường phải sơ tán về Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ông nhớ thời đó, bà con nhân dân nhiều khó khăn, nhà không đủ ăn, 5-7 anh em chia nhau bắp cải nhỏ ăn nhưng vẫn để dành phần cơm cho học sinh miền Nam. Những ký ức về một thời nghèo khó nhưng ấm áp nghĩa tình sống mãi, được ông truyền lại cho các thế hệ con cháu, bạn bè, người thân để họ hiểu hơn về sự hy sinh và gắn kết sâu đậm giữa hai miền Nam - Bắc.

Thời kỳ đó, hàng vạn học sinh miền Nam khi sống trong dân, được dân cưu mang như ruột thịt; lúc đón về trường học, mọi người lại được các thầy, cô giáo Hải Phòng coi như con em. Các thầy cô giáo được phân công dạy học sinh miền Nam đều là những người được tuyển chọn chuẩn mực về đức độ. Trong lớp học sinh ra Bắc học tại Hải Phòng, nhiều người tuổi khá nhỏ. Biết các em xa gia đình, nhớ nhà, không có cha mẹ bên cạnh, nhất là con gái, thầy cô giáo càng quan tâm, chỉ bảo. Thầy dạy cho các bạn gái cách tự chăm sóc, vệ sinh đúng cách, tối ngủ, các thầy cô chia nhau đi kiểm tra, xem có cháu nào tung chăn ra thì lại nhẹ nhàng kéo đắp. Có nhiều em nhỏ, đêm nhớ nhà khóc, cô ngồi bên vỗ về, xoa lưng, hát ru đến khi ngủ mới đứng dậy. Khi học sinh bị ốm, các thầy cô giáo lo lắng, tận tình chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, thức cả đêm chườm mát khi học sinh bị sốt. Những tình cảm đó, ông Nguyễn Ngọc Trai khẳng định, chỉ có ở những người cha, người mẹ mới đủ sự kiên trì, nhẫn nại và giàu lòng nhân ái mới có được...
 

Bác Hồ động viên đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

Ngày 21/9/1954, Bác Hồ đã viết bức thư thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc. Bức thư chưa đầy 200 chữ nhưng chứa đựng tình cảm sâu nặng và sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào miền Nam.

Bức thư có tựa đề “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” được đăng trên Báo Nhân dân số 229, từ ngày 21 đến ngày 22/9/1954.

Trong thư Bác viết: "Gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc,

Hôm nay các cụ, các cô, các chú và các cháu đã ra đến nơi, tôi thân ái gửi lời hoan nghênh tất cả mọi người.

Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà.

Mong các cụ, các cô, các chú và các cháu luôn luôn mạnh khoẻ, vui vẻ. Mỗi người sẽ tuỳ theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà.

Đến ngày hoà bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thǎm miền Nam yêu quý của chúng ta".

Tác giả bài viết: Minh Thái t/h

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây