Kết tình anh em trên đất Lào - ký ức không quên của cựu chuyên gia quân sự Việt Nam

Thứ năm - 07/11/2024 13:33
Kết tình anh em trên đất Lào - ký ức không quên của cựu chuyên gia quân sự Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Nghiệp được nhân viên Đại sứ quán Lào tại Việt Nam buộc chỉ cổ tay dịp Tết cổ truyền Bunpimay (tháng 4/2024) với lời chúc mạnh khỏe, bình an. (Ảnh: Thành Luân)
Ông Nguyễn Văn Nghiệp được nhân viên Đại sứ quán Lào tại Việt Nam buộc chỉ cổ tay dịp Tết cổ truyền Bunpimay (tháng 4/2024) với lời chúc mạnh khỏe, bình an. (Ảnh: Thành Luân)
43 năm thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào, cựu chuyên gia quân sự Nguyễn Văn Nghiệp khắc ghi ân tình của nhân dân nước bạn. Trong đó có vợ chồng anh Ký - chị Chom, những người từng buộc chỉ cổ tay, nhận ông làm em kết nghĩa, trao cho ông tên Lào thân thương: Khăm Chăn - Mặt Trăng Vàng.

Buộc chỉ cổ tay, kết nghĩa anh em

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể: "Từ tháng 8/1954, Ban cán sự Đảng khu Hạ Lào bố trí tôi “nằm vùng” (ở lâu dài trong vùng địch để hoạt động bí mật - PV), tham gia tổ cố vấn, gồm ba cán bộ Việt Nam giúp Tỉnh ủy bí mật Champasak. Cuối năm 1956, tôi được phân công sang giúp bạn ở các huyện hữu ngạn sông Mekong. Những ngày tháng “nằm vùng” ở đây tôi được cán bộ cơ sở và nhân dân nước bạn chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ tận tình, đặc biệt là hai vợ chồng anh Ký - chị Chom, những nông dân ở làng Huội Phầy, huyện Xukhuma, cũng là đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Anh Ký được phân công giúp đỡ tôi trong hoạt động tại đây. Hàng ngày, theo kế hoạch đã định, anh bí mật đưa tôi, chủ yếu là về ban đêm, đi gặp cán bộ cơ sở nắm tình hình, bàn bạc, hướng dẫn việc củng cố, phát triển cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng các hình thức hợp pháp.

Là đội trưởng du kích xã nên anh Ký thông thạo đường đi lối lại. Những lúc gặp địch tuần tra, lùng sục, anh đều khẩn trương đưa tôi lánh đến nơi an toàn. Việc ăn uống anh đều bàn với cơ sở tổ chức chu đáo. Khi đến Huội Phầy, mọi việc đều do chị Chom lo liệu. Cẩn thận hơn chị còn chuẩn bị cho tôi một túi gạo nếp rang phòng khi có trở ngại tiếp tế không kịp. Thỉnh thoảng chị còn bồi dưỡng cho tôi mấy quả trứng gà luộc, nải chuối chín. Ban đêm tiện đâu hai anh em lại mắc võng ngủ ở rừng hoặc ngủ trên các “thiêng na” (nhà giữ ruộng của dân làng) giáp bìa rừng. Đêm nào mưa to, gió lớn anh đưa tôi vào ngủ tại nhà anh. Chốc chốc anh lại dậy canh chừng giấc ngủ của tôi".
 

Tình cảm giữa ông Nghiệp và vợ chồng anh Ký ngày càng bền chặt qua những lần san sẻ gian khó. Anh chị đã làm lễ chúc phúc, buộc chỉ cổ tay nhận ông Nghiệp làm em kết nghĩa, đặt tên Lào cho ông là Khăm Chăn (Mặt Trăng Vàng). Buổi lễ diễn ra giản dị, ấm áp tại “thiêng na” giữa cánh đồng. "Ba chúng tôi có buổi liên hoan với xôi, thịt gà nướng chấm “cheo”(một thức ăn thông dụng của người Lào gồm cá khô, giã chung với muối và ớt cay) và những lá rau rừng chị chuẩn bị sẵn ở nhà mang ra", ông Nghiệp kể lại.

Đến cuối năm 1957, khi tổ cố vấn của ông Nghiệp được lệnh rút về nước, ông không có dịp gặp lại anh Ký, chị Chom. Mãi đến năm 1981, ông mới trở lại Champasak để thăm anh chị, nhưng nhận tin cả hai đã qua đời. "Đứng dưới gốc dừa cạnh nền nhà cũ của anh chị, tôi thầm khấn chúc hương hồn anh chị mãi an lạc nơi cõi vĩnh hằng. Một luồng gió thổi làm đong đưa tàu lá dừa khiến tôi có cảm giác hương hồn anh chị đang quanh quất nơi đây mà lòng vô cùng xúc động", ông Nghiệp chia sẻ.

Tiếp tế lương thực, hỗ trợ truy kích địch

Ông Lê Mai, Phó Ban Liên lạc toàn quốc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào cho biết, trong chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm có đóng góp quý báu của quân dân Lào. Khi đó, dù còn trong tình cảnh muôn vàn khó khăn, quân dân Lào đã hỗ trợ quân đội Việt Nam lương thực, thực phẩm, góp phần đánh tan lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào, tạo thế trận bao vây toàn diện quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
 

Ông kể: Đầu năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bao vây chặt, khiến quân Pháp phải thiết lập một phòng tuyến ở sông Nậm Hu tại Lào nhằm giải cứu. Để cô lập hoàn toàn Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo Đại đoàn 308 tiến sang Lào tấn công, phối hợp cùng dân công địa phương tiếp tế lương thực và hỗ trợ truy kích quân Pháp. Với tinh thần quyết chiến, quân ta nhanh chóng đánh tan trận địa Mường Khoa và tiến sâu hơn vào đất Lào.

Trong Lễ gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, Phó Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào khẳng định:

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, góp phần xây dựng tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu thủy chung son sắt Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp”.

Trong quá trình truy kích, bộ đội Đại đoàn 308 nhận được sự giúp đỡ lớn từ nhân dân Lào. "Sau 5 ngày truy kích, đến Nậm Bạc thì hết gạo. Bộ đội phải chịu đói. Vừa lúc đó, các đoàn dân công của Lào từ các làng bản đã mang gạo, lợn, gà, bí xanh, bí đỏ xuống cho bộ đội. Ban Chỉ huy Đại đoàn là Chính ủy Lê Quang Đạo và Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đã gặp Bí thư Tỉnh ủy Luang Prabang Khăm Munti, và Chính ủy quân Tình nguyện Việt Nam Nguyễn Sĩ Hoạt đề nghị vận động dân công Lào chuyển giúp gạo và thực phẩm xuống ven đường để bộ đội tiện đường truy kích quân địch.

Ban Chỉ huy chiến dịch và Tỉnh ủy Luang Prabang đã quyết định huy động nhân dân Lào chuyển thóc xuống các làng bản xung quanh nơi đóng quân để giã gạo. Các cô dân công Việt Nam và các cô gái Lào giã gạo liên tục để cung cấp cho bộ đội. Nhiều tù binh Pháp bị đói và mệt. Mặc dù máy bay Pháp quần thảo, nhưng người dân Lào không sợ. Dân bản vẫn hăng hái giã gạo, xem bộ đội mổ lợn, nấu cơm... Không khí chan hòa.

Sau đó, bộ đội ta phối hợp với quân tình nguyện và quân đội Lào truy kích thêm một tuần thì đến bờ sông Mekong tại hang Pak Ou. Ban Chỉ huy chiến dịch đã quyết định làm bè tre và động viên nhân dân đưa thuyền độc mộc chở bộ đội vượt sông. Hơn chục nữ dân công và một số cô gái Lào xin đi theo bộ đội qua sông trong không khí chiến thắng hào hùng. Các cô gái Việt Nam luôn miệng hỏi: “Đây là sông Mekong à? Còn bao nhiêu nữa thì đến cố đô xứ Triệu Voi?”... Vượt sông, bộ đội tiến đánh đồn Ban Na, gần cố đô Luang Prabang, nhưng địch cũng đã bỏ chạy. Cả trẻ con, người già đều rủ nhau ra đón và xem bộ đội Việt Nam trẻ trung, tươi cười vẫy chào nhân dân Lào", ông Lê Mai kể.

Những câu chuyện giản dị, chân thực từ các cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự là minh chứng rõ nét cho tình bạn keo sơn Việt - Lào. Những ký ức không phai này là thông điệp sống động gửi đến thế hệ trẻ hai nước, là động lực để họ tiếp tục vun đắp cây đời xanh tươi của tình hữu nghị Việt - Lào.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay27
  • Tháng hiện tại66,807
  • Tổng lượt truy cập2,402,317
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây