Hội thảo do GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đồng chủ trì.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi cho biết: Trên những chặng đường hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn dành cho cách mạng Trung Quốc, những người đồng chí và nhân dân Trung Quốc những tình cảm chân thành, chí thiết, nồng hậu.
Trong trái tim của những người bạn Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh “vừa là đồng chí vừa là anh em” và là biểu tượng của tình hữu nghị “Việt - Hoa thân thiện”. Hiện nay, ở Quảng Châu cũng như trên đất nước Trung Quốc, có nhiều di tích về di sản Hồ Chí Minh đã và đang được bảo tồn, phát huy, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Kế thừa và phát huy truyền thống "mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em", trên nền tảng hòa bình, hữu nghị, với quan điểm láng giềng “môi hở, răng lạnh” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông thiết lập, đặt nền tảng, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công kiến tạo. Trong thời kỳ đổi mới, đứng trước bối cảnh mới của đất nước và thời đại, Việt Nam và Trung Quốc đã phát huy những điểm tương đồng, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc, trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ đó, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại.
"Di sản Hồ Chí Minh về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc rất to lớn và quý báu, đã thấm sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước. Những năm tháng bên nhau của cách mạng Việt Nam và Trung Quốc đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, là động lực để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước hôm nay vững bước trên hành trình đi tới thắng lợi của sự nghiệp mạng xã hội chủ nghĩa", GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận gần 40 tham luận của đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và nhiều nhà khoa học. Các tham luận tập trung làm sáng tỏ, sâu sắc 3 nội dung:
Thứ nhất, Quảng Châu - Trung Quốc trong tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc và cách mạng thế giới.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hoạt động tăng cường quan hệ hợp tác giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc trong kháng chiến chống xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, kế thừa và phát huy nền tảng vững chắc trong quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt - Trung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước tạo dựng, vun đắp, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới.
Theo PGS. TS Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước khi lựa chọn Quảng Châu (Trung Quốc) là địa điểm hoạt động từ 11/1924- 4/1927, là tiền đề quan trọng dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam- nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.
"Với sự lựa chọn thành phố Quảng Châu, thủ đô cách mạng, căn cứ địa của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi hội tụ những tư tưởng lớn của các nhà cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn, trí tuệ thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn địa điểm đầu tiên nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, tạo nên bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam", PGS.TS Trần Minh Trưởng đánh giá. Quảng Châu là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng có khuynh hướng mác xít và là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước nhằm đào tạo đội ngũ nòng cốt cho cách mạng Việt Nam; xuất bản tờ báo Thanh Niên - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Thanh niên.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nhận định: trong quan hệ Việt - Trung, nhân tố Hồ Chí Minh đóng vai trò cốt lõi, bền vững.
46 năm nghiên cứu về Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, ông nhiều lần chứng kiến tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ của người dân Trung Quốc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điển hình là năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ, hai nước tổ chức một cuộc triển lãm với quy mô lớn. Người dân Trung Quốc đến xem rất đông, họ ghi cảm tưởng và mang đến di vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh như những quyển sách, đồ lưu niệm… Cũng dịp đó, ông Nguyễn Vinh Quang biết được một người Trung Quốc treo trong phòng làm việc bức sơn dầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chú thích "Không có một gánh nặng nào có thể làm oằn đôi vai con người này". Khi ông Nguyễn Vinh Quang ngỏ ý mượn bức tranh để trưng bày trong cuộc triển lãm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đàn ông Trung Quốc sẵn sàng cho mượn và coi đó là một vinh dự. Ông không chỉ mang bức tranh mà còn đưa cả gia đình đến triển lãm.
"Giao lưu nhân dân để tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau là cơ sở để xây dựng tình hữu nghị bền chặt. Để phát triển quan hệ hữu nghị thực chất, chúng ta cần tăng cường các hoạt động giao lưu, vì chỉ khi người dân hiểu nhau thì tình hữu nghị mới vững chắc", ông Quang nói.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc Trần Anh Tuấn cho biết, các tham luận đã làm rõ tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi chọn Quảng Châu làm nơi hoạt động, đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và tình hữu nghị Việt - Trung. Các tham luận cũng chỉ rõ những hoạt động sôi nổi của Người tại Trung Quốc đã tạo điều kiện quan trọng cho phong trào cách mạng Việt Nam, góp phần gắn kết hai dân tộc trên tinh thần "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Các ý kiến đề xuất nhiều giải pháp để phát huy nền tảng hữu nghị giữa hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã tạo dựng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới trong điều kiện hiện nay.
Theo ông Trần Anh Tuấn, các báo cáo, tham luận sẽ tiếp tục được biên tập thành tài liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời kỳ mới.
Tác giả bài viết: Thành Luân
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn