(Cinet) - Hậu Giang là tỉnh thuộc khu vực nội địa của Đồng bằng Sông Cửu Long, được tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Tỉnh có diện tích đứng hàng thứ 11 và dân số đứng hàng thứ 13 trong tổng số 13 tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ. Hậu Giang là vùng đất được khai phá muộn, phần lớn vào cuối thế kỷ XIX.
Khái quát chung
Diện tích: 1.602,5 km². Phía Bắc giáp với thành phố Cần Thơ, phía Nam giáp với tỉnh Sóc Trăng, phía Đông giáp với sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu. Nằm trung gian giữa châu thổ sông Hậu và vùng ven biển Đông, Hậu Giang là nhịp cầu nối giữa hệ thống sông Hậu (phía Đông) và sông Cái Lớn (phía Tây, Tây Nam).
Dân số: 769.200 người (năm 2011)
Đơn vị hành chính:
1 thành phố: Vị Thanh
1 Thị xã: Tân Hiệp
Các huyện : Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Chăm, Khmer
Tài nguyên văn hóa
Di sản văn hóa
Hậu Giang có 9 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Khu di tích tỉnh ủy Hậu Giang (xã Phú Hữu), Di tích Nam kỳ khởi nghĩa (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành), trụ sở Liên hiệp đình chiến Nam bộ, Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (xã Phương BÌnh, huyện Phụng Hiệp), Di tích chiến thắng Tầm Vu (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A), Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm), Di tích chiến thắng 75 Tiểu đoàn ngụy (xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ). Ngoài ra còn có “Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Di tích tội ác Mỹ - Diệm tàn sát đồng bào” và Di tích lịch sử “Địa điểm Chiến thắng Vàm Cái Sình” ở phường 7 (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).
Bên cạnh 9 di tích lịch sử cấp quốc gia, Hậu Giang cũng có 6 Di tích xếp hạng cấp tỉnh.
|
Lễ hội đua ghe ngo tại Hậu Giang |
Hậu Giang có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với khí hậu nhiệt đới gió mùa, chính vì thế văn hóa Hậu Giang gắn liền với văn hóa sông nước. Hậu Giang hiện nay có 27 lễ hội, trong đó có 13 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội dân gian, 4 lễ hội lịch sử cách mạng, đặc biệt là lễ hội đua ghe ngo truyền thống đặc trưng, thu hút đông đảo du khách hàng năm.
Nghệ thuật biểu diễn
Loại hình nghệ thuật biểu diễn nổi bật nhất tại Hậu Giang phải nhắc tới đó là Đờn ta tài tử (loại hình vừa được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại). Hiện tại có khoảng 100 CLB đờn ca tài tử đang hoạt động sôi nổi trên địa bàn tỉnh.
|
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc trưng nhất tại Hậu Giang |
Điểm đến
Với những đặc thù về điều kiện tự nhiên, xu hướng du lịch chủ yếu của Hậu Giang chủ yếu là tìm về với thiên nhiên, với miệt vườn sông nước, vì vậy Hậu Giang đang có nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với khu vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi....
Hậu Giang cũng có các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú, thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của vùng đất, con người. Đặc sản về cây ăn trái của Hậu Giang cũng được nhiều người ưa chuộng như khóm Cầu Đúc, bưởi Phú Hữu, quýt đường Long Trị....Ngoài ra, tỉnh còn có đặc sản về thủy sản như cá thác lác Vị Thanh ngon nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long… góp phần tạo sức hút du lịch cho địa phương.
(BTV)(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)