Ngân hàng Thế giới và Bộ NN&PTNT Việt Nam vừa chính thức hợp tác trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL. Bà có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của thỏa thuận này và WB sẽ làm thế nào để hỗ trợ Việt Nam trong Đề án này, thưa bà ?
- Ngân hàng Thế giới đã dành sự hỗ trợ lâu dài cho ngành lúa gạo ở Việt Nam và gần đây nhất là thông qua một chương trình ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã thử nghiệm những kỹ thuật mới nhằm giảm lượng khí mê-tan từ sản xuất lúa. Điều độc đáo là công nghệ này không chỉ làm giảm lượng khí các-bon từ quá trình trồng lúa mà còn giảm chi phí sản xuất cho người nông dân và tăng lợi nhuận cho họ. Chúng tôi, cùng với Bộ NN&PTNT, đang nỗ lực mở rộng quy mô dự án này. Trước đây, chúng tôi đã thử nghiệm trên 180.000ha và hiện nay Bộ NN&PTNT vừa công bố kế hoạch mở rộng lên 1 triệu héc-ta. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Bộ NN&PTNT, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tạo cơ hội tiếp cận thị trường các-bon và sử dụng nguồn lực của Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy nỗ lực này. Hy vọng rằng, điều này sẽ làm thay đổi ngành nông nghiệp ở Việt Nam, hướng tới sự bền vững và hiệu quả cao hơn.
Như bà đã biết, giá lúa gạo ở Việt Nam trong năm nay đã tăng vọt và việc xuất khẩu gạo cũng đạt mức cao. Vì vậy, theo ý kiến của bà, Đề án này sẽ tác động như thế nào đối với giá trị xuất khẩu lúa của Việt Nam trong năm tới và thậm chí là trong vài năm sắp tới ?
- Chúng tôi hy vọng rằng chương trình này sẽ là bước đột phá, đưa ngành hàng lúa gạo Việt Nam vươn tầm quốc tế. Trong bối cảnh thế giới ngày càng cạnh tranh, ngành lúa gạo Việt Nam phải đối mặt với sự phụ thuộc vào nền kinh tế và nhu cầu toàn cầu. Ngày càng nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới đang tìm kiếm lúa gạo không chỉ không gây hại cho hành tinh mà còn có ảnh hưởng tích cực. Với dự án và đầu tư này, chúng tôi sẽ đồng hành với Chính phủ để đảm bảo rằng hạt gạo Việt Nam giảm được lượng khí nhà kính. Đối với việc nhiều người quan tâm đến một hành tinh bền vững, điều này có thể tạo ra giá trị đặc biệt trên thị trường quốc tế. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ làm cho lúa gạo Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, thu hút hơn đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đang gặp một số thách thức trong quá trình triển khai dự án, vậy làm thế nào để có thể đối mặt với những thách thức đó, thưa bà ?
- Theo tôi, yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của dự án này là tất cả các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long cần hợp tác chặt chẽ. Dự án này đòi hỏi sự cộng tác của tất cả các cấp Chính phủ. Cụ thể, các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, họ phải liên kết với Chính phủ cấp quốc gia và tất cả các cơ quan Chính phủ cấp quốc gia cần phối hợp hành động. Nếu không, rủi ro đầu tư trở nên phân mảnh và không đạt được kết quả như mong muốn. Chúng tôi mong muốn đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kết nối tất cả các bên liên quan để tối ưu hóa hiệu suất của nguồn tài chính đầu tư vào dự án lần này.
Tác giả bài viết: Y Linh
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn