- Thưa ông, là người từng học tập và gắn bó nhiều năm tại Azerbaijan, đề nghị ông chia sẻ kỷ niệm sâu sắc với đất nước và con người nơi đây?
Tôi sang Azerbaijan học ngành Địa chất dầu khí tại Đại học Quốc gia Azerbaijan (nay là Đại học Quốc gia Baku) năm 1970. 6 năm học tập tại đây chúng tôi luôn cảm nhận được tình cảm trân quý, sâu sắc mà nhân dân Azerbaijan dành cho Việt Nam.
Trong những giai đoạn khó khăn, chúng tôi - những du học sinh Việt Nam - không cô đơn. Các thầy cô giáo và bạn bè Azerbaijan đã coi chúng tôi như ruột thịt. Họ thể hiện sự yêu thương, động viên và trân trọng bằng từng hành động, cử chỉ. Họ hiểu rằng chúng tôi đến từ một đất nước đang chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng chung cho chủ nghĩa xã hội. Đi đâu tôi cũng nghe những lời động viên như: “Việt Nam là anh hùng”, “Việt Nam nhất định thắng lợi”, “Người Việt Nam rất cừ khôi, rất ưu tú”.
Một trong những kỷ niệm không thể nào quên là thời điểm đón tin chiến thắng 30/4/1975. Khi ấy, tôi đang là sinh viên năm tư, là Đơn vị trưởng, là cầu nối giữa sinh viên Việt Nam với nhà trường và Đại sứ quán. Khi tin chiến thắng đến, cả trường như vỡ òa trong niềm hân hoan. Khoảng 700 lưu học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Baku đã cùng tụ họp để ăn mừng. Không khí thật náo nức, tưng bừng. Chúng tôi vui, bạn bè Azerbaijan cũng vui lây.
Các thầy cô giáo Azerbaijan hôm ấy không chỉ đến chúc mừng chúng tôi mà còn chia sẻ niềm vui chiến thắng như thể đó là chiến thắng của chính họ. Hôm ấy, đài phát thanh Azerbaijan phát sóng phóng sự “Mùa chiến thắng”, kể lại hành trình gian khó của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giây phút miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tôi cùng bạn bè hát vang những ca khúc như: Ta thấy gì đêm nay, Nối vòng tay lớn… Những giai điệu ấy không chỉ kết nối chúng tôi với quê hương mà còn kết nối trái tim người bạn quốc tế với Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân hai nước hiện nay?
Trong quá khứ, Azerbaijan đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ rất đáng quý. Họ đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ trải rộng trên nhiều lĩnh vực: toán học, vật lý, hóa học, luật, sinh vật học… đặc biệt là dầu khí và hải quân. Những thế hệ được đào tạo tại Baku sau này đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, trong giới khoa học và kỹ thuật của Việt Nam. Đó là nền tảng gắn bó sâu sắc và lâu dài của tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng giao lưu nhân dân giữa hai nước vẫn còn mang nặng tính hoài niệm. Để quan hệ phát triển bền vững và thực chất hơn, chúng ta cần làm mới cách tiếp cận, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ.
Hiện phía Azerbaijan rất quan tâm đến việc tăng cường kết nối thế hệ trẻ hai nước. Họ mong muốn cử sinh viên sang Việt Nam học tập, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Qua đó hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, Azerbaijan cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ để tiếp cận thị trường Đông Nam Á. Ở chiều ngược lại, chúng ta có thể xem Azerbaijan là điểm kết nối chiến lược của Việt Nam tại khu vực Tây Á và châu Âu.
Tôi tin rằng, quan hệ truyền thống quý báu giữa hai nước cần được bồi đắp bằng những hợp tác mới, năng động và sáng tạo hơn. Từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đến văn hóa, kinh tế, thương mại... tất cả đều phải đặt trên nền tảng cùng phát triển, cùng có lợi. Trong đó, giao lưu thế hệ trẻ không chỉ là một phần của hợp tác mà cần được xem là động lực chính để duy trì và phát triển bền vững quan hệ đối ngoại nhân dân Việt Nam - Azerbaijan trong tương lai.
Tôi cũng kỳ vọng rằng chuyến thăm cấp cao lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ góp phần đưa quan hệ đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Azerbaijan bước sang một giai đoạn mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
- Ông có đề xuất nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?
Thứ nhất, tôi cho rằng việc mở các đường bay trực tiếp như Baku - Hà Nội, Baku - TP. Hồ Chí Minh, Baku - Đà Nẵng… là hoàn toàn khả thi và cần được xúc tiến sớm. Azerbaijan và khu vực Kavkaz có mùa đông lạnh giá, trong khi Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tắm biển, nghỉ dưỡng. Rất nhiều du khách Nga, vốn từng quen thuộc với khí hậu lạnh, hiện đã tìm đến Việt Nam vào mùa hè để nghỉ dưỡng và không ít người Azerbaijan cũng có nhu cầu tương tự.
Ở chiều ngược lại, người Việt cũng có thể đến Azerbaijan để trải nghiệm một nền văn hóa độc đáo, lâu đời, giàu bản sắc. Azerbaijan nổi tiếng với các di tích văn hóa, kiến trúc nghìn năm tuổi, văn học phong phú, thảm dệt thủ công tinh xảo, rượu vang, nho, thịt cừu... Những giá trị đó tôi nghĩ sẽ thu hút người Việt, tạo nên sự gắn bó sâu sắc hơn giữa nhân dân hai nước. Du lịch sẽ là chất xúc tác quan trọng để gia tăng hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng cho hợp tác đa lĩnh vực.
Thứ hai, tôi đề xuất Việt Nam nên sớm thành lập Đại sứ quán thường trú tại Baku. Hiện nay, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga vẫn kiêm nhiệm Azerbaijan. Tuy nhiên, với vai trò là quốc gia trung tâm của khu vực Kavkaz, có vị trí chiến lược kết nối Á - Âu, Azerbaijan ngày càng khẳng định vai trò là một đối tác quan trọng với Việt Nam. Phía bạn nhiều lần bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm thiết lập đại diện ngoại giao chính thức tại thủ đô Baku.
Tôi tin rằng với tiềm lực và vị thế hiện nay, việc mở Đại sứ quán thường trú tại Azerbaijan không chỉ là động thái mang tính đối đẳng trong ngoại giao, mà còn là một bước đi chiến lược, tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, giáo dục, du lịch, văn hóa…
Tôi hy vọng, Đại sứ quán Việt Nam tại Azerbaijan sẽ sớm được thiết lập, tạo tiền đề vững chắc để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Mai Anh
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn