Trong
cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư vừa xuất bản, tôi rất tâm huyết với bài “Bệnh sợ trách nhiệm”. Bài báo đăng cách đây đã lâu (đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973), nhưng vẫn rất thời sự.
Bài viết có đoạn: “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”.
Ngẫm trong bối cảnh hiện nay, khi mà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, thì nơi này nơi kia, ít hay nhiều, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm là có thực, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vị trí là người đứng đầu. Thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai” là nguy cơ đáng báo động, bởi nó ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả công việc.
Cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ biết sợ sai là tốt nhưng cần phải sợ trên cơ sở nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu rõ các nguyên tắc của Đảng, quy định của pháp luật… Từ đó, mỗi người thường xuyên nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức để không xảy ra sai sót, chứ không phải vì sợ sai mà không làm gì. Thường những người mà năng lực, trình độ có hạn thì làm gì cũng sợ sai, không dám chỉ đạo, không dám quyết định.
Người cán bộ mà trong công việc có sự tính toán lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc để người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm những việc không đúng quy định của pháp luật. Người cán bộ vững chuyên môn, công tâm trong công việc, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, chấp hành tốt các nguyên tắc tổ chức của Đảng, quy định, pháp luật của Nhà nước, kiểm soát được quyền lực, minh bạch, rõ ràng trong từng khâu thực hiện nhiệm vụ thì khó có thể làm sai.
Đất nước đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, ở mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị đều cần có những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Nhấn mạnh vấn đề này, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Theo đó, trường hợp người cán bộ dám nghĩ, dám làm, có những đề xuất đổi mới nhưng kết quả thực hiện thí điểm không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Do vậy, tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cần phải sớm được nhận diện và khắc phục.
Trong bài viết nêu trên, Tổng Bí thư nêu rất rõ những biểu hiện của người sợ trách nhiệm: Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Đối với những công việc cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của chính mình, đúng với chức trách và quyền hạn của mình, người sợ trách nhiệm vẫn không dám mạnh dạn giải quyết, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”.
Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Lấy cớ phải có tác phong “thận trọng, chín chắn”, phải “giữ gìn đoàn kết”…, Tổng Bí thư khẳng định: “Sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, bởi vì sợ trách nhiệm tức là muốn yên thân, né tránh khó khăn, là thiếu tính chiến đấu, thiếu dũng khí cách mạng…”.
Và đồng chí cho rằng, để khắc phục “bệnh” này, trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu, rèn luyện; đồng thời các tổ chức đảng và Nhà nước cải tiến công tác, phân rõ chức trách, nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, làm tốt việc tổng kết công tác, căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ cụ thể giao cho từng người mà biểu dương người làm tốt, phê phán người làm không tốt, có quan niệm đúng, thái độ đúng trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ.
Bài viết với sự phân tích cặn kẽ, thấu đáo thật sự là bài học cần được các cán bộ, đảng viên nghiên cứu, thấm nhuần sâu sắc để tự soi, tự sửa, không ngừng hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.