Ba thông điệp của Thủ tướng gửi đến kiều bào

Thứ năm - 22/08/2024 03:01
Ba thông điệp của Thủ tướng gửi đến kiều bào
Hơn 600 đại biểu trong đó có 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. Ảnh: Tuấn Anh
Hơn 600 đại biểu trong đó có 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. Ảnh: Tuấn Anh
Sáng 22/8, dự phiên toàn thể "Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài" trong khuôn khổ "Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư" tại Thủ đô Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ 3 thông điệp với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ba thông điệp đó là: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 kỷ niệm 80 năm tuyên bố độc lập, 50 năm ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.

Đất nước kỳ vọng và tin tưởng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Thành công của đồng bào cũng chính là thành công của đất nước - Đất nước tự hào về đồng bào ta ở nước ngoài".

Đất nước trân quý tình cảm, "nghe cho thấu, thấy cho rõ và hiểu cho hết" tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao ý kiến đóng góp quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương, đất nước.
 

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng cộng đồng bà con người Việt Nam ở nước ngoài cho quê hương, đất nước trong suốt thời gian qua; biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định cuộc sống, địa vị pháp lý, phát triển và hội nhập sâu, toàn diện, nâng cao hơn nữa địa vị chính trị ở nước sở tại.
 

z5754810163136 75fd484dafdbb227bd0fef74da8a0b1b20240822095410
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh

"Bà con hãy tiếp tục là những sứ giả của nước Việt, làm rạng danh dân tộc Việt Nam, nòi giống con Rồng cháu Tiên, phát huy và làm lan tỏa văn hóa Việt, giá trị Việt. Đất nước cũng luôn kề vai sát cánh, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào ta", Thủ tướng phát biểu.
 

Phát biểu khai mạc diễn đàn trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài.

“Chúng tôi kỳ vọng Hội nghị lần thứ 4 lấy trọng tâm là Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu kiều bào sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người.

Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh cơ đồ và vị thế Việt Nam.

Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
 

Xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, đề xuất Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.

Cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội; mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước…

Thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.

Bên cạnh đó là xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và minh bạch; tăng cường tổ chức kết nối chuyên gia, trí thức kiều bào; quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt; tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam...

Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng và tiếp tục chú trọng công tác này thông qua việc tăng cường các nguồn lực tương xứng để triển khai công tác.

 

Có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép); tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa với các kiều bào về các quy định liên quan quốc tịch, làm căn cước…

Tác giả bài viết: Phạm Lý

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây