MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ HỘI VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản hiện tại có 72 hội viên.
Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2022-2027 như sau:

1. Ông Nguyễn Duy Cần - Chủ tịch
2. Ông Ngô Minh Long - Phó Chủ tịch
3. Ông Lê Hoàng Xuyên - Phó Chủ tịch
4. Ông Dương Hải Lâm - Thư ký
5. ÔngNguyễn Ngọc Đệ 
6. Ông Võ Xuân Tân 
7. Ông Phan Quốc Thứ

I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NHẬT BẢN:
1. Địa lý: 
Nhật Bản là quần đảo nằm ở Tây Bắc lòng chảo Thái Bình Dương, ngoài khơi phía Đông lục địa châu Á, trải theo một vòng cung hẹp dài 3.800km. Gồm 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích là 377.944km2, với 4 đảo lớn nhất, chiếm 97% diện tích, là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. 73% diện tích đất là đồi núi và rừng rậm. Hiện còn 108 núi lửa đang hoạt động.  
2. Dân số: Dân số: 125,7 triệu, giảm liên tục từ năm 2011 đến nay ( Nguồn: Báo cáo Điều tra tình hình quốc gia năm 2015). 98,5% dân số là thuần Nhật, phần còn lại là dân tộc thiểu số (Ainu ở phía Bắc) và người nước ngoài. Tuổi thọ trung bình là 84 cao nhất thế giới. Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm dân số, dự báo là 95 triệu đến 2050, chủ yếu do tỷ lệ sinh mới thấp. Chính phủ Nhật Bản đang từng bước nới lỏng các quy định nhập cư và công nhận quốc tịch tự nhiên nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động này.
3. Lịch sử: 
Lịch sử Nhật Bản đi qua thời cổ đại và phong kiến, hình thành phân chia giai cấp và các nhà nước nhỏ. Thủ đô đầu tiên của Nhật Bản là Nara vào đầu thế kỷ thứ 8 và tồn tại hơn 70 năm (từ 710 đến 784). Năm 794, Thủ đô mới được chuyển tới Kyoto, mở ra thời kỳ Heian với những phát triển vượt bậc trong văn học nghệ thuật. Năm 1603, Tướng quân Tokugawa Ieyasu lập ra Chính phủ quân sự ở Edo (sau gọi là Tokyo). Đây là 1 bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Nhật Bản, tạo ra khuôn mẫu thể chế chính trị xã hội duy trì trong suốt 265 năm với những biện pháp quyết liệt như đóng cửa với thế giới bên ngoài, rồi sụp đổ năm 1867 và Hoàng đế được khôi phục đầy đủ quyền lực trong cuộc phục hưng Minh Trị (1868-1912) - là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới II, Nhật Bản đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ từ 1945~1951. Năm 1951, Nhật Bản ký Hiệp ước Hoà bình San Francisco; song song với phục hồi kinh tế, Nhật Bản dần khôi phục vị thế quốc tế, trở thành thành viên tích cực trong các diễn đàn kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế.
4. Chế độ chính trị: Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến kiểu Anh, trong đó: 
+ Nhà Vua Nhật Bản Akihito là Nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại.
+ Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập.
+ Chính phủ hiện nay là chính phủ liên minh giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh (Komeito).
 5. Một số lãnh đạo chủ chốt:
- Thủ tướng: Kishida Fumio (Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do năm 2021 và đã được Nghị viện bầu làm Thủ tướng vào ngày 4 tháng 10 năm 2021)
- Chủ tịch Hạ viện: Nukaga Fukushiro (Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản từ 2023)
- Chủ tịch Thượng viện: Otsuji Hidehisa
- Ngoại trưởng:  Kamikawa Yoko
6. Thông tin khác:
- Đơn vị tiền tệ: Yên.
- GDP năm 2023: 4.260  tỷ USD (Nguồn: Văn phòng Nội các Nhật Bản) 
II. TÌNH HÌNH NHẬT BẢN:
1. Chính trị nội bộ
-
 Mô hình thể chế chính trị Nhật Bản hiện tại dựa trên chế độ lưỡng viện đa đảng. Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp độc lập với nhau. Theo Hiến pháp năm 1947, cơ chế tam quyền phân lập được thiết lập, không có quyền lực nào không bị kiểm soát và giám sát. Tam quyền phân lập được coi là nguyên tắc căn bản trong tổ chức bộ máy quyền lực ở Nhật Bản.

- Cơ quan lập pháp là Quốc hội, gồm Hạ viện và Thượng viện, trong đó Hạ viện đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của nhân dân; Thượng viện giám sát quyền lực và sự phán quyết của Hạ viện. Hạ viện có 465 nghị sỹ, nhiệm kỳ bốn năm. Trong số 465 ghế của Hạ viện, có 289 nghị sỹ được bầu từ các khu vực bầu cử nhỏ và 176 người khác được bầu đại diện theo tỷ lệ. Các ứng cử viên để bầu vào Hạ viện phải từ 25 tuổi trở lên. Thượng viện có 248 nghị sỹ, nhiệm kỳ sáu năm. Để duy trì tính liên tục của Thượng viện, cứ 3 năm bầu lại một nửa số thành viên. Trong số 248 thành viên, có 148 người được bầu theo phương thức bỏ phiếu bầu trực tiếp; 100 người được bầu từ danh sách của các đảng chính trị theo tỷ lệ đại diện. Các ứng cử viên để bầu vào Thượng viện phải từ 30 tuổi trở lên. Thượng viện không bị giải thể như Hạ viện.. 

2. Kinh tế: 
- Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản trải qua các giai đoạn: nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay). Hiện tại, tuy tiếp tục có nhiều vấn đề nan giải song Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới.
- Sau khi lên nắm quyền (12/2012), Thủ tướng Abe đã triển khai mạnh mẽ Chính sách kinh tế mới Abenomics giai đoạn 1 gồm 3 “mũi tên”: (i) Chính sách tiền tệ mạnh dạn; (ii) Chính sách tài chính cơ động; (iii) xây dựng Chiến lược tăng trưởng mới. Đến nay, Chính sách kinh tế Abenomics bước đầu phát huy hiệu quả tích cực song kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro trung hạn. Tháng 9/2015, Thủ tướng Abe đưa ra Chính sách Abenomics giai đoạn 2 với 3 mũi tên mới là: “phát triển kinh tế”, “hỗ trợ chăm sóc trẻ em” và “đảm bảo an sinh xã hội”, trong đó phấn đấu 3 mục tiêu GDP năm 2020 đạt 600 nghìn tỷ yên, nâng tỷ lệ sinh con lên 1,8 (duy trì dân số mức 100 triệu người sau 50 năm), giảm tỷ lệ người lao động phải nghỉ việc vì chăm sóc người già xuống 0%... GDP thực và GDP danh nghĩa năm 2015 tăng lần lượt là 0,5% và 2,5% so với năm 2014. Thời gian tới, kinh tế Nhật Bản vẫn cần giải quyết nhiều vấn đề như thâm hụt thương mại kéo dài (năm 2015 thâm hụt 2.832,2 tỷ yên, 5 năm liên tiếp), nợ công cao (233,8% GDP, đứng đầu các nước trên thế giới), già hóa dân số, hỗ trợ nông nghiệp sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Nhật Bản đang thúc đẩy tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã bị ngừng hoạt động sau thảm họa động đất sóng thần 11/3/2011. Tác động của việc đồng yên giảm giá khiến số khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh (năm 2015 đạt 19.734.400 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay). 
3. Ngoại giao
- Nhật Bản duy trì quan hệ ngoại giao với mọi quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ngoại trừ Bắc Triều Tiên, ngoài ra Nhật Bản còn có quan hệ với các nhà quan sát của Liên Hợp Quốc như Tòa Thánh, cũng như KosovoQuần đảo Cook và Niue.
- Ngoài các nước láng giềng trực tiếp, Nhật Bản đã theo đuổi một chính sách đối ngoại tích cực hơn trong những năm gần đây, nhận ra trách nhiệm đi kèm với sức mạnh kinh tế của mình. Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda nhấn mạnh một hướng thay đổi trong bài phát biểu chính sách trước Quốc hội Nhật Bản: "Nhật Bản mong muốn trở thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực cũng như đóng góp cho nghiên cứu và trí tuệ để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực xây dựng hòa bình"
III. QUAN HỆ VIỆT NAM - NHẬT BẢN:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao:  21/09/1973
- Sau năm 1975, hai bên trao đổi Đại sứ quán.
- Giai đoạn 1979-1990: Do vấn đề Campuchia, Nhật Bản đông kết các khoản viện trợ đã thỏa thuận. Quan hệ chính trị rất hạn chế.
-  Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Từ đó đến nay, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hoá… được mở rộng; sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên. 
- Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011),  nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
2. Khuôn khổ và một số mốc quan trọng trong quan hệ hai nước: 
- Sau năm 1975, Đại sứ quán được mở tại Thủ đô mỗi nước; hai bên ký thỏa thuận về việc Chính phủ Nhật Bản bồi thường chiến tranh với danh nghĩa viện trợ không hoàn lại đối với Việt Nam.
- Giai đoạn 1979-1991, do vấn đề Cam-pu-chia, Nhật Bản đông kết các khoản viện trợ đã thỏa thuận, quan hệ chính trị hạn chế.
- Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam.
- Tháng 4/1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản.
- Năm 1994, Thủ tướng Nhật Bản Murayama, Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm Việt Nam.
- Năm 1995, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản.
- Tháng 4/2002, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Koizumi, hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”.
- Tháng 7/2004, Tuyên bố chung giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao xác định “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”.
- Tháng 11/2006, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe, hai bên ra Tuyên bố chung xác định “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”.
- Tháng 11/2007, nhân chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã ký Tuyên bố chung “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”.
- Năm 2009, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro đã ký Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
- Tháng 10/2010, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.
- Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.
- Tháng 9/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản. Hai bên ra Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
- Từ ngày 28/2/2017 đến 5/3/2017, Nhà ​vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam.
- Tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga sau khi nhậm chức.
- Ngày 22/11/2021 đến 25/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản
- Năm 2022, sau cuộc hội đàm giữa Thủ Tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến Lễ trao đổi 22 văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Hai Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ báo chí chung, thông báo những kết quả chính trong cuộc hội đàm, nhấn mạnh hai bên nhất trí cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ được cho là có “tiềm năng vô hạn” của hai nước đang tiến tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Với chủ đề “Việt Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai – Vươn tầm thế giới”, hi vọng mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
3. Về quan hệ chính trị: 
- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
- Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ mới, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hợp tác hai nước, mở ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của cả hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
- Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại hợp tác đã có giữa các bộ, ngành hai nước và thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới; tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản.
- Về hợp tác kinh tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác để bảo đảm an ninh kinh tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh….
- Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2027, ủng hộ Việt Nam và các nước châu Á đến năm 2050 thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
 4. Hợp tác về kinh tế: 
- Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai nước hiện đạt khoảng hơn 40 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản tương đối cân bằng và tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai bên cũng đều đặn trong giai đoạn vừa qua.
- Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 34,3 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Về xuất khẩu, kim ngạch của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD.
- Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) năm 2009; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) năm 2008; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020.
- Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung kinh tế, thương mại gồm: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản; Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản; sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.
- Đặc biệt, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại…
Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 4.765 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký gần 64 tỷ USD.
5. Hợp tác trên các lĩnh vực khác:
- Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá từ năm 2014 trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai bên đã ký kết "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản" nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2015).
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu: phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Abe đã công bố hỗ trợ khẩn cấp không hoàn lại 2,5 triệu USD để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn. 
- Về hợp tác lao động: Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ý kiến tại Diễn đàn, năm 2023 ghi dấu số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay về cả số lượng người đi hàng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và cả số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (khoảng 350.000 người, chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản).
- Bắt đầu hợp tác lao động từ năm 1992, Việt Nam cũng là nước đứng đầu cả về mặt số lượng sang làm việc hàng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 nước phái cử thực tập sinh/lao động sang nước này.
- Những kết quả hợp tác lao động đã đạt được cho thấy mức độ yêu thích của người lao động Việt Nam đối với môi trường sống và làm việc, văn hoá Nhật Bản cũng như sự hài lòng và mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam của người sử dụng lao động Nhật Bản.
- Hợp tác giáo dục: Hiện nay có khoảng 500.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản sau Trung Quốc. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản khi số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản năm 2011 mới đạt khoảng 50.000 người.
- Số lượng tu nghiệp sinh chiếm khoảng 40% số người Việt Nam sinh sống tại Nhật và là lực lượng không thể thiếu trong sự phát triển của kinh tế Nhật Bản.
- Đối với trường Đại học Ngoại thương đã ký kết với các đối tác Nhật Bản các chương trình đào tạo nguồn nhân lực như Dự án Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) do JICA tài trợ; chuỗi bài giảng và cuộc thi kinh doanh Business Contest hợp tác với JETRO; chương trình cử nhân kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản; chương trình cử nhân Kinh doanh số với sự tham gia của nhiều trường đại học Nhật Bản như Đại học Rykkyo, Đại học Waseda, Học viện công nghệ Chiba, Đại học Kanto Gakuin cũng như sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản; hợp tác thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nhiều trường đại học của Nhật Bản (ĐH Aomori),…
- Đây có thể xem là một trong những thành tựu của chương trình hợp tác sâu rộng về giáo dục giữa hai nước.
- Về du lịch: Văn phòng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam cho biết, số khách Việt đến Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 11/2023 ước đạt 536.800 lượt người, vượt con số kỷ lục 495.051 vào năm 2019.
- Về hợp tác lãnh sự: Theo thống kê của Bộ tư pháp Nhật, đến 12/2015, tại Nhật có 124.820 người Việt Nam; tại Việt Nam có khoảng 13.500 người Nhật Bản . Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh. Phía ta mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (3/1997) và Fukuoka (4/2009); Tháng 6/2010, bổ nhiệm 2 Tổng Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (Hokkaido).
- Từ ngày 1/1/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ ngày 1/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản. Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ 1/5/2005.
- Nhật Bản bắt đầu thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014 và nới lỏng hơn từ ngày 15/2/2016) và thị thực một lần (từ 20/11/2014) cho công dân Việt Nam.

 
                              
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây