Việt Nam - đối tác nòng cốt của Hàn Quốc trong chiến lược khu vực
- Thứ tư - 26/07/2023 09:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam là chính sách xuyên suốt nhiều năm của Hàn Quốc vì lợi ích chiến lược của đôi bên, theo chuyên gia.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cuối tháng 6 đến Việt Nam, nước Đông Nam Á đầu tiên mà ông tới thăm sau khi nhậm chức hồi tháng 5/2022. Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Yoon Suk-yeol, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác thực chất, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác xử lý tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống khủng bố, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống.
Việt Nam và Hàn Quốc cũng phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.
"Tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Yoon cho thấy vai trò và vị thế Việt Nam đang gia tăng, chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có năng lực chủ động chọn đối tác để làm sâu sắc quan hệ", tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, nói với VnExpress về quan hệ Việt - Hàn sau chuyến thăm.
Theo ông Sáng, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại từ 87 tỷ USD năm 2022 lên 150 tỷ USD vào năm 2030 thể hiện niềm tin lớn mà lãnh đạo hai nước dành cho tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào cuối năm ngoái.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã hai lần nâng cấp quan hệ. Hàn Quốc cũng trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại.
Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc có hơn 9.500 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Việt Nam, với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc, với tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2021 đạt hơn 21 tỷ USD.
Ông Sáng đánh giá hợp tác kinh tế giữ vai trò xương sống với quan hệ Việt - Hàn và là chính sách xuyên suốt của Hàn Quốc qua nhiều đời lãnh đạo.
Dưới thời tổng thống Park Geun-hye, Hiệp định Thương mại Tự do Việt - Hàn (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015. Người kế nhiệm của bà là tổng thống Moon Jae-in đã khởi động Chính sách Phương nam Mới (NSP), trong đó Việt Nam được đánh giá là mảnh ghép trung tâm trong các nỗ lực tiếp cận khu vực ASEAN.
Theo ông Sáng, một số học giả thậm chí đã gọi NSP là "Chiến lược Việt Nam Mới" của Hàn Quốc. Điều này được thể hiện phần nào qua phát biểu của tổng thống Moon khi đánh giá quan hệ với ASEAN là thành tố "không thể thiếu đối với hòa bình và thịnh vượng của Hàn Quốc, còn Việt Nam là trung tâm trong mối quan hệ này".
Tổng thống Yoon Suk-yeol, người nhậm chức từ tháng 5/2022, tiếp tục đánh giá Việt Nam là "đối tác nòng cốt trong chiến lược của Hàn Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN". Ông Yoon cũng nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ hơn cùng Việt Nam nhằm thúc đẩy những nhóm hợp tác đa phương mà hai nước cùng tham gia, trong đó có khuôn khổ Hàn Quốc - ASEAN và Hàn Quốc - Mekong.
Ở chiều ngược lại, những đóng góp của Việt Nam cho quan hệ này cũng giúp củng cố vị thế trong ASEAN, chứng tỏ vai trò thành viên năng động, có trách nhiệm và có đủ uy tín cũng như sự tin cậy để kết nối ASEAN với các đối tác ngoài khu vực.
"Quan hệ Việt - Hàn vào thời điểm này có thể được mô tả là thân thiết hơn cả hai người bạn thân", Jeon Hyong-jun, tổng biên tập Tạp chí Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), nhận định.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol, một số vướng mắc giữa hai nước đã được giải quyết, trong đó có việc công nhận giấy phép lái xe quốc tế của nhau. Theo TTXVN, hiệp định song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam về việc công nhận giấy phép lái xe quốc tế (IDP) được hai bên ký kết hôm 23/6 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/7.
Theo thỏa thuận, công dân Hàn Quốc sở hữu giấy phép lái xe quốc tế sẽ được lái xe tại Việt Nam trong vòng một năm tính từ ngày cấp. Khoảng 4,3 triệu công dân Hàn Quốc thuộc diện này có thể điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam.
Đại diện KOCHAM kỳ vọng việc tăng cường trao đổi và hợp tác cấp cao sẽ đẩy nhanh tháo gỡ những rào cản trong tiếp cận thị trường của nhau đối với doanh nghiệp hai nước, trong đó có vấn đề giấy phép lao động và chính sách thuế.
Ông cũng cho rằng hai nước cần quan tâm hơn nữa đến yếu tố "con người" trong giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ song phương, trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn còn thiếu chuyên gia về tiếng Việt và có chuyên môn nghiên cứu Việt Nam.
Theo ông Jeon, người dân hai nước cần có thêm nhiều cơ hội để hiểu biết sâu sắc hơn về nhau, trong đó có tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của mỗi nước, góp phần củng cố những nhịp cầu quan hệ song phương.
"Người Hàn Quốc có câu 'hãy cẩn thận hơn khi gần gũi nhau', nghĩa là càng thân thì càng phải cẩn thận trong trao đổi để thể hiện tôn trọng cao hơn dành cho nhau. Hợp tác Việt - Hàn trong thời gian tới sẽ ngày càng phong phú, do đó hai bên cần thấu hiểu nhau để giữ gìn niềm tin được xây dựng bấy lâu", ông Jeon chia sẻ.