https://huunghi.haugiang.gov.vn


Văn hóa chính trị với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Văn hóa chính trị với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Văn hóa chính trị - trở thành thành động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước. Ảnh: Internet.

(VNTV). Nếu văn hóa chính trị là hệ thống các giá trị, chuẩn mực được hình thành trong thực tiễn chính trị, được cộng đồng chia sẻ và nó có thể chi phối, định hướng hoạt động của các cá nhân và tổ chức khi các chủ thể này tham gia vào đời sống chính trị, thì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là hệ thống các giá trị về mục tiêu lý tưởng, ý chí và niềm tin, tình cảm và quyết tâm chính trị của Đảng và nhân dân ta.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là sự định hướng tương lai của cả dân tộc không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 mà cả những thập niên tới với những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là sự thể hiện sâu sắc và biện chứng của khát vọng như là định hướng mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc; tạo nên mục tiêu và động lực để cả dân tộc và mỗi người chúng ta phấn đấu từng bước, đạt từng mục tiêu cụ thể trong tổng thể mục tiêu định hướng hay là khát vọng phát triển đất nước, phát triển địa phương, cơ sở và phát triển chính mình theo hướng trở nên phồn vinh, hạnh phúc.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thể hiện và cần được thực hiện ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội - từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường...; từ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Từ khía cạnh văn hóa chính trị, nếu văn hóa chính trị là hệ thống các giá trị, chuẩn mực được hình thành trong thực tiễn chính trị, được cộng đồng chia sẻ và nó có thể chi phối, định hướng hoạt động của các cá nhân và tổ chức khi các chủ thể này tham gia vào đời sống chính trị..., thì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là hệ thống các giá trị về mục tiêu lý tưởng, ý chí và niềm tin, tình cảm và quyết tâm chính trị của Đảng và nhân dân ta. Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, do vậy, trở thành nội dung và định hướng của văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay và trong tương lai, nằm trong cấu trúc (tri thức, tư tưởng, giá trị, chuẩn mực, biểu hiện của văn hóa chính trị, hành vi chính trị, biểu tượng,… của văn hóa chính trị Việt Nam) và chức năng (giáo dục, giao tiếp và liên kết cộng đồng, định hướng và điều chỉnh hành vi, dự báo hành vi chính trị,... của văn hóa chính trị Việt Nam), đặc điểm của văn hóa chính trị Việt Nam (chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trọng dụng hiền tài, cần cù sáng tạo, yêu chuộng hòa bình và hợp tác, phát triển,… của dân tộc và con người Việt Nam).
Với tiếp cận như trên, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với tính cách văn hóa chính trị chính là: (i) Làm cho khát vọng ấy trở thành văn hóa, văn hóa chính trị - trở thành thành động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước thông qua việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và cách mạng, chủ động và sáng tạo, ý chí tự lực và tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quốc tế thúc đẩy đất nước phát triển. (ii) Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống và cách mạng,tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; bảo đảm sự phát triển đất nước bền vững theo hướng phồn vinh, hạnh phúc. (iii) Xây dựng nền văn hóa, trong đó có văn hóa chính trị Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà cốt lõi là làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đời sống của xã hội. (iv) Phát huy nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người như là trung tâm của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (v) Huy động mọi sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết dân tộc, mọi nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; làm cho khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành nền tảng và sức mạnh nội sinh quan trọng của quốc gia - dân tộc.
thinhvuongvietnamcom208042022061607
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Internet.
Trong bối cảnh hiện nay, để khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với tính cách là văn hóa chính trị Việt Nam cần phải:
Một xây dựng lý tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; hình thành, nuôi dưỡng và tạo môi trường thuận lợi để biến những khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phú thành những hành động có mục tiêu, gắn với từng điều kiện cụ thể của đất nước, của địa phương, đơn vị, của cán bộ, đảng viên - nhất là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, của đội ngũ các nhà khoa học, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của “ý Đảng - lòng Dân” trong quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, truyền cảm hứng sáng tạo, lan tỏa đoàn kết, đồng thuận để hiện thực hóa khát vọng, truyền cảm hứng mãnh liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo, tạo dựng và bồi dưỡng niềm tin, nâng cao tinh thần quyết tâm vượt mọi khó khăn, đi cùng thời đại và tiến lên cùng thời đại; xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức từng bước biến khát vọng thành hiện thực cuộc sống.
Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, làm chủ của Đảng, Nhà nước và nhân dân để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bốn là, đổi mới cơ chế, chính sách để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo”; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài cho thực hiện khát vọng phát triển đất nước.
Năm là, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp trước Đảng và nhân dân. Đồng thời, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường gắn bó mật thiết với nhân dân, tất cả vì đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Như vậygiữa văn hóa chính trị và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có mối quan hệ biện chứng; hơn nữa, có thể nói văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay chính là tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII là khơi dậy khát vọng phát triển một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và để đạt được mục tiêu đó, Đại hội đã đưa ra nhiều định hướng trong đó có định hướng phát huy giá trị văn hóa, văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay.
Lịch sử dân tộc Việt Nam ta đã chứng minh rằng, khi nào chúng ta tạo được môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy các giá trị, sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại thì khi đó đất nước ta phát triển mạnh mẽ vượt bậc. Nếu như trước kia, yêu nước, ý chí tự cường thể hiện tập trung ở việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, thì ngày nay những giá trị của khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần được thể hiện ở trong nhận thức và hành động cách mạng, khoa học và sáng tạo của chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 

Tác giả bài viết: Tuyết Mai

Nguồn tin: thinhvuongvietnam.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây