https://huunghi.haugiang.gov.vn


Trường Việt ngữ Cây Tre: giữ gìn tiếng Việt giữa lòng Nhật Bản

Trường Việt ngữ Cây Tre: giữ gìn tiếng Việt giữa lòng Nhật Bản
Một tiết học tiếng Việt tại trường Việt ngữ Cây Tre. (Ảnh: Trường Việt ngữ Cây Tre)
Vào một buổi chiều thứ Bảy tại thành phố Higashiosaka (Nhật Bản), tiếng hát và những câu chuyện về quê hương vang lên rộn rã từ lớp học của trường Việt ngữ Cây Tre. Đây không chỉ là nơi dạy tiếng Việt, mà còn là không gian giúp trẻ em người Việt tại Nhật Bản tìm về nguồn cội qua ngôn ngữ mẹ đẻ, văn hóa và lòng yêu Tổ quốc.

Ngôi trường của tình yêu tiếng mẹ đẻ

Giữa lớp học, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiện ra trong tay cô giáo, khiến tất cả các em nhỏ đồng thanh hô vang: “Lá cờ!”. Những đôi mắt tròn xoe, chăm chú hướng về biểu tượng thiêng liêng của quê hương, rồi từng em một, hân hoan đánh vần chữ “lá cờ” bằng cả niềm tự hào. Không chỉ học chữ, ở đây các em còn được sống trong không khí của quê hương, học hát, múa và lắng nghe những câu chuyện giàu tính nhân văn từ đất mẹ. Điển hình là bé Phương Anh, dù mới 3 tuổi nhưng ánh mắt đã lấp lánh niềm vui khi xung phong hát bài "Đi học", khuôn mặt rạng rỡ, lan tỏa niềm hạnh phúc của một đứa trẻ đang kết nối với cội nguồn bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình.
 

"Lớp học tiếng Việt yêu thương" do Trường Việt ngữ Cây Tre – ngôi trường cộng đồng đầu tiên tại Nhật Bản - phối hợp với Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức từ giữa tháng 8/2024. Mục tiêu của trường là đào tạo và lưu giữ tình yêu quê hương bằng tiếng Việt cho trẻ em thế hệ thứ 2-3 sinh ra tại Nhật; tôn vinh tiếng Việt thể hiện hồn cốt của dân tộc, mang giá trị nhân văn truyền thống, góp phần xây dựng đất nước.

Trao đổi với báo chí, chị Lê Thương, Hiệu trưởng nhà trường đồng thời là Chủ tịch hội người Việt Nam vùng Kansai, chia sẻ trước đây chị cùng với một số người Việt tại Nhật Bản đã tổ chức một số lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam tại Nhật Bản, nhưng không có nhiều học sinh theo học. Từ chủ trương của Đảng được nêu rõ trong Kết luận 12 về việc “Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”, hoạt động dạy tiếng Việt tại Osaka đã có sự khởi sắc với việc thành lập trường Việt ngữ Cây Tre.

"Chúng tôi mong muốn xây dựng một môi trường mà ở đó các gia đình Việt Nam tại Nhật Bản không chỉ học tiếng Việt mà còn giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm sống", chị Lê Thương chia sẻ với phóng viên VOV.

Không gian học tập kết nối cộng đồng

Tại trường Việt ngữ Cây Tre, các em học sinh gốc Việt không chỉ được dạy về ngữ pháp hay cách phát âm tiếng Việt mà còn được truyền dạy những giá trị văn hóa qua các bài hát dân ca, điệu múa truyền thống và những câu chuyện về làng quê Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng hướng về Tổ quốc. Có những giờ phút những người con Việt Nam xa xứ cùng trang nghiêm cất tiếng hát Quốc ca hướng về lá cờ đỏ sao vàng và có những giờ phút mọi người cùng chung tay góp sức ủng hộ đồng bào trong nước bị thiệt hại do cơn bão số 3…
 

truong viet ngu cay tre giu gin tieng viet giua long nhat ban 20241005160151
Giáo viên của trường Việt ngữ Cây Tre hướng dẫn các em đọc tiếng Việt. (Ảnh: Trường Việt ngữ Cây Tre)

Với sự tham gia của 14 giáo viên tình nguyện, các lớp học được tổ chức trực tiếp mỗi thứ Bảy hàng tuần. Các thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn là những người kết nối giữa trẻ em Việt tại Nhật và quê hương. Bên cạnh đó, trường cũng mở rộng các lớp học trực tuyến để tạo cơ hội cho nhiều em học sinh từ các tỉnh thành khác nhau tại Nhật dễ dàng tiếp cận với giáo dục tiếng Việt.

Điều đặc biệt ở Trường Việt ngữ Cây Tre là tinh thần tự nguyện và đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Trường không thu phí, thay vào đó, các phụ huynh, giáo viên và cả cộng đồng chung tay đóng góp. Điều này tạo nên một môi trường giáo dục không chỉ về mặt ngôn ngữ mà còn về văn hóa và cộng đồng, với hy vọng giúp các gia đình Việt Nam tại Nhật kết nối với nhau mạnh mẽ hơn.

Trường Việt ngữ Cây Tre nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản. Các tổ chức như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, cùng với các trường Đại học như Đại học Ngoại ngữ và Đại học Sư phạm Hà Nội đều đã góp phần đáng kể vào việc cung cấp tài liệu, chuyên môn và đào tạo giáo viên cho trường. Đặc biệt, Giáo sư Shimizu Masaaki của Đại học Osaka đã đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn và hướng dẫn giảng dạy, giúp trường phát triển chương trình giảng dạy phù hợp với điều kiện học sinh tại Nhật Bản.

Dù đạt được những thành công ban đầu, công tác dạy và học tiếng Việt tại Nhật Bản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo cô Ngô Thị Dần, giáo viên với hơn 10 năm kinh nghiệm dạy học tại Việt Nam, thách thức lớn nhất là thiếu giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Các cô sử dụng giáo trình trong nước, học sinh có thể hiểu khi nhìn vào tranh vẽ trong sách nhưng rất khó giải thích và khó đọc do giáo trình trong nước dành cho những đứa trẻ lớn lên trong môi trường tiếng Việt trong khi các bé ở đây lớn lên trong môi trường tiếng Nhật.

"Điều này đòi hỏi giáo viên cần phải có trình độ, năng lực tiếng Nhật nhất định", cô Dần nói với phóng viên TTXVN.

Ngoài ra, việc duy trì sự đều đặn trong học tập cũng là một thử thách đối với nhiều gia đình Việt sống xa trường học. Tuy nhiên, niềm tin vào giá trị của ngôn ngữ mẹ đẻ và tình yêu quê hương đã thúc đẩy các bậc phụ huynh quyết tâm đưa con em mình đến lớp mỗi tuần, vượt qua những khó khăn về khoảng cách và thời gian.

Với số lượng người Việt tại Nhật Bản ngày càng tăng, hiện đã vượt 500.000 người, nhu cầu giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với sự đồng lòng của cộng đồng, chị Lê Thương kỳ vọng rằng trường Việt ngữ Cây Tre sẽ không chỉ dừng lại ở một ngôi trường dạy ngôn ngữ, mà sẽ tạo nên một làn sóng lan tỏa, góp phần vào việc xây dựng một trung tâm văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, gắn kết cộng đồng người Việt và tạo sự đoàn kết mạnh mẽ nơi đất khách.

Tại lễ khai giảng “Lớp Tiếng Việt yêu thương” hồi tháng 8/2024, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đánh giá cao sáng kiến tổ chức lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho trẻ em tại Nhật Bản này.

Ông khẳng định việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em thế hệ thứ hai mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “Lớp Tiếng Việt yêu thương” sẽ tạo ra được môi trường học tập sinh động, hiệu quả và tràn đầy tình yêu thương, góp phần nuôi dưỡng trong các cháu văn hóa cội nguồn của Tổ tiên. Điều đó sẽ giữ cho “tâm hồn Việt Nam” được trường tồn ở bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống.

Tác giả bài viết: Phan Anh

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây