Triết lý ngoại giao cây tre thu hút sự quan tâm của giới Việt Nam học tại LB Nga
- Thứ ba - 28/05/2024 03:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cây tre có những đặc tính độc đáo gì để Việt Nam tuyên bố thực hiện một nền ngoại giao mang bản sắc “cây tre” và đạt được những thành công được toàn thế giới công nhận ?
Cần phải hiểu và áp dụng nguyên tắc ngoại giao này như thế nào để đạt được hiệu quả trong hợp tác song phương, đặc biệt trong thời kỳ mới hiện nay ?
Tiềm năng hợp tác mạnh mẽ của Việt Nam đang chờ được khai phá ra sao, là những vấn đề được thảo luận sôi nổi tại hội thảo “Việt Nam trong thế giới đa cực: cách tiếp cận, những thách thức và triển vọng” diễn ra ngày 22/5 tại Đại học quan hệ quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga (MGIMO).
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, sự kiện khoa học và ngoại giao có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam do Chủ tịch Phan Anh Sơn dẫn đầu đang có chuyến thăm và làm việc tại Nga, các nhà ngoại giao, Việt Nam học từ Nga và Việt Nam (tham gia trực tuyến) cùng đông đảo các sinh viên của MGIMO.
Trong vai trò diễn giả chính, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã khái quát đường lối đối ngoại mà Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi, đó là đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu, linh hoạt, khôn khéo về sách lược; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Đáp lại những câu hỏi làm rõ của các học giả về cách thức Việt Nam lựa chọn tham gia các tổ chức hội nhập quốc tế, ông Phan Anh Sơn khẳng định, theo nguyên tắc trên, Việt Nam sẽ không bao giờ tham gia những tổ chức nào cản trở sự phát triển của các quốc gia khác, ngược lại Việt Nam đã luôn giúp đỡ các quốc gia, trong đó có các quốc gia láng giềng thân cận, hội nhập vào các tổ chức quốc tế.
Khái niệm ngoại giao cây tre do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 ngày 22/8/2016, được bắt đầu biết đến trong vài năm gần đây tại LB Nga song càng ngày càng được quan tâm nghiên cứu sâu sắc hơn.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Phó Giám đốc Trung tâm ASEAN, bà Valeria Vershinina cho rằng phong cách ngoại giao cây tre trước hết là sự thích nghi với tình hình hiện tại trong quan hệ quốc tế, thể hiện qua hành động của Việt Nam trong tình huống hỗn loạn hiện tại trên thế giới, là sự mềm mại, linh hoạt, biết tùy thời tùy thế và quan trọng nhất là luôn giữ cho mình thế chủ động trong các quyết định.
Bà Vershinina chỉ ra rằng chỉ trong ít năm gần đây Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện với một loạt cường quốc, đặc biệt là Mỹ, trong khi Việt Nam và LB Nga vẫn đang duy trì quan hệ cấp cao nhất rất thành công.
Điều đó cho thấy đường lối ngoại giao cây tre của Việt Nam là đường lối đa chiều, và nhắm đến việc duy trì được tầm ảnh hưởng, được thế chủ động của đất nước, bất chấp những xung đột đang diễn ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tại các khu vực khác trên thế giới.
Bà Vershinina cũng chỉ ra sự tương đồng giữa ngoại giao cây tre của Việt Nam và quan điểm thế giới đa cực của LB Nga.
Việt Nam nhiều lần khẳng định đường lối là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, ủng hộ một thế giới đa cực trong đó tất cả các nước đều có tiếng nói, đều có ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng trong các tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc.
Về phần mình, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Vladimir Mazyrin, đánh giá từ quan điểm nghiên cứu Việt Nam, triết lý ngoại giao cây tre là triết lý mới mẻ trong ngoại giao. Ông cho rằng triết lý này hợp lý hơn so với các nước cùng khu vực.
Qua thảo luận tại hội thảo, ông Mazyrin cho rằng, ngoại giao cây tre không chỉ là phương pháp hoạt động cho ngành ngoại giao Việt Nam, mà còn là lựa chọn chính trị đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, và chính sách này thể hiện công sức nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo của lãnh đạo Việt Nam. Từ tuyên bố của Tổng bí thư, ngành ngoại giao Việt Nam đã tiếp thu và phát triển rộng rãi.
Tính đúng đắn của triết lý này được minh chứng qua những thành tựu không chỉ trên mặt trận ngoại giao, mà còn trong kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam, mà nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."
Tại hội thảo, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam Đoàn Khắc Hoàng đánh giá cao chất lượng thảo luận và các tham luận tại hội thảo, cho rằng người tham dự đã thu nhận được những thông tin hữu ích và thời sự cho công việc và học tập, nghiên cứu Việt Nam.
Ông Đoàn Khắc Hoàng cũng tin tưởng rằng hiểu biết về đường lối đối ngoại của Việt Nam sẽ giúp các nhà ngoại giao tương lai có những bước khởi đầu thuận lợi và đúng hướng trong sự nghiệp xây đắp và phát triển quan hệ giữa LB Nga và Việt Nam./.