https://huunghi.haugiang.gov.vn


Tỉnh Hậu Giang quyết tâm đổi mới, thực hiện đột phá bằng khát vọng vươn lên mạnh mẽ , vì sự phát triển nhanh và bền vững

Tỉnh Hậu Giang quyết tâm đổi mới, thực hiện đột phá bằng khát vọng vươn lên mạnh mẽ , vì sự phát triển nhanh và bền vững
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022_Ảnh: VGP
TCCS - Với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những kết quả và bài học kinh nghiệm bước đầu qua nửa nhiệm kỳ thực hiện các nghị quyết tạo nền tảng để tỉnh Hậu Giang tiếp tục vươn lên, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm nhất.
Chương trình hành động khoa học, đột phá, sát thực tiễn
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV), với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các chương trình thực hiện Nghị quyết(1), nhất là Chương trình số 50-CTr/TU được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của các cấp ủy nhằm bảo đảm tính khả thi, thiết thực và hiệu quả, theo phương châm “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100”.
Chương trình số 50-CTr/TU đã định ra cách làm, những bước đi cụ thể trên tất cả lĩnh vực, với hơn 20 văn bản phải ban hành (trong đó xác định rõ lộ trình của từng văn bản) và 14 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Nhờ đó, các cấp ủy, chính quyền có cơ sở vững chắc để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ. Chương trình cũng xác định các giải pháp trọng tâm để thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định để phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...(2). Các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định về công tác cán bộ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách. Để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tỉnh đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư(3). Tỉnh xác định phải tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, như chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trong từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Xây dựng định hướng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác lập quy hoạch và chính sách thu hút doanh nghiệp hiệu quả tại một số tỉnh, thành phố trong nước. Qua đó, tỉnh đã ban hành “Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, với 5 tiêu chí hàng đầu là: năng lực tài chính; nộp ngân sách; suất đầu tư của dự án; quản lý, bảo vệ môi trường; lao động và công nghệ. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về định hướng chiến lược quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh với mục tiêu: 1- Đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang cải thiện vị trí xếp hạng quy mô kinh tế, thu ngân sách so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng các giai đoạn tiếp theo; 2- Đến năm 2030, sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế; 3- Đến năm 2050, Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo định hướng: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”. Cụ thể:
Một tâm: phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về đô thị và công nghiệp, là bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trung hạn và dài hạn.
Hai tuyến: tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu.
Ba thành: ưu tiên phát triển và nâng tầm 3 trung tâm đô thị của tỉnh là: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.
Bốn trụ cột: tập trung phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng(4).
Năm nhiệm vụ trọng tâm: 1- Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; 2- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực trụ cột; 3- Cải cách hành chính mạnh mẽ, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; 4- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông và công nghiệp kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế; 5- Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bước phát triển mới và kinh nghiệm rút ra
Với tinh thần nghiêm túc, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt để đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đến cuối năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã tạo được bước phát triển mới với những kết quả khả quan, tạo đà vững chắc cho tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, vững chắc trong thời gian tới. Năm 2022, tỉnh hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, (có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất từ trước đến nay (đạt 13,94%), đứng thứ tư cả nước về tỷ lệ tăng trưởng (tăng trên 30 bậc so với năm 2021); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt gần 30%; giải ngân vốn đầu tư công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều vượt chỉ tiêu kế hoạch; thu ngân sách trên địa bàn vượt 31% dự toán Trung ương giao; GRDP bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng, tăng 19,45% so với năm trước. Trong năm, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực thực hiện chương trình an sinh xã hội, vận động được hơn 330 tỷ đồng chăm lo gia đình khó khăn, hỗ trợ thoát nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới theo phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ngày càng đồng bộ, trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ chính trị với tinh thần quyết tâm cao trong triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của tỉnh. Công tác dân vận của Đảng, chính quyền tập trung hướng về cơ sở, tăng cường thực hiện đối thoại để nắm bắt và kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, năm 2022, với chủ đề năm là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút hơn 600 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham dự. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, với tổng số vốn 19.000 tỷ đồng; ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204.000 tỷ đồng.
Từ những kết quả đạt được sau hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang rút ra một số kinh nghiệm:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, từ đó, cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải bảo đảm vừa có tính khả thi, vừa có tính đột phá.
Thứ hai, trước khi ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết, cần khảo sát thực tiễn, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến từ tập thể cấp ủy đến cán bộ, đảng viên. Cán bộ chủ chốt phải trực tiếp tham gia góp ý xây dựng chương trình hành động, không giao phó cho bộ phận tham mưu. Sau khi ban hành, chương trình hành động phải được người đứng đầu cấp ủy trực tiếp triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là các đối tượng trực tiếp triển khai thực hiện.
Thứ ba, chương trình hành động thực hiện nghị quyết phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện; đồng thời, có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, rõ ràng. Tập thể cấp ủy phân công nhiệm vụ cho các cấp ủy viên theo lĩnh vực công tác; gắn trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên phụ trách đơn vị, lĩnh vực trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình hành động.
Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, có năng lực, bản lĩnh, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung.
Thứ năm, định kỳ cấp ủy tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện nghị quyết theo chương trình hành động đã đề ra. Làm rõ phạm vi trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện, qua đó, phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, kịp thời nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Những nhiệm vụ, giải pháp tạo động lực phát triển mới
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” để tạo động lực phát triển mới, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tỉnh Hậu Giang tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, điều chỉnh, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, bảo đảm cung cấp tốt, thuận lợi hơn các dịch vụ công thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên cơ sở duy trì tối đa đơn vị hành chính theo tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giai đoạn 2023 - 2030.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng theo phương châm: “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Nghiên cứu xây dựng danh mục vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên. Chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn tại địa bàn cơ sở. Khẩn trương hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân.
Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020  - 2025, trọng tâm là phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã;... Song song đó, tập trung nguồn lực tài chính phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, tạo động lực gia tăng nhanh tỷ trọng và cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ cùng với hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số.
Bốn là, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác phát triển đảng viên; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ, bảo đảm tăng về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng đảng viên. Nghiên cứu ban hành chỉ thị, đề án phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Đổi mới công tác kiểm tra theo hướng trọng tâm, trọng điểm, khoa học; tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Cải cách hành chính phải hướng đến nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số. Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên, chủ động làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu hiện thực hoá tối đa các dự án đầu tư đã ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022 và với các nhà đầu tư mới.
Sáu là, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề ra lộ trình, tiến độ thực hiện theo từng mốc thời gian; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ đơn vị, cá nhân phụ trách; định kỳ tổ chức rà soát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo. Năm 2023, tập trung tối đa các nguồn lực triển khai thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả năm đã đề ra và phát động đợt thi đua đặc biệt trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân để lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (2004 - 2024)./.
 

Tác giả bài viết: Nghiêm Xuân Thành -Bí tư Tỉnh ủy Hậu Giang

Nguồn tin: Tap chí cộng sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây