Tiếp tục các giải pháp đảm bảo dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”
- Thứ sáu - 15/03/2024 08:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(HGO) – Sáng ngày 14-3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong thực hiện Đề án 06; đồng thời yêu cầu, tới đây các thành viên Tổ Công tác của tỉnh, huyện, xã tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện Đề án. Đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện còn chậm, các đơn vị tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dứt điểm, về đích sớm so với yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án; các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục đồng hành với cơ quan nhà nước trên địa bàn nhằm phát triển hạ tầng số, tiên phong sáng tạo các ứng dụng số phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo công tác chuyển đổi số thực sự đem lại hiệu quả thực chất, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Riêng Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi việc thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, văn bản chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Công an tỉnh hàng tháng, quý phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Tổ Giúp việc làm việc với từng sở, ban, ngành, địa phương đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đề án, tập hợp các “điểm nghẽn” của từng đơn vị để báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06; chỉ đạo công an cấp huyện, xã tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp thẻ căn cước công dân, định danh điện tử...
Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, các cấp, các ngành, địa phương ở tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, đến nay tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Kế hoạch triển khai Đề án 06 đề ra. Cụ thể, đến tháng 2-2024, tỉnh đã cung cấp hơn 1.830 dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, trong đó có gần 1.600 DVC trực tuyến một phần (chiếm 87,2%), 235 DVC trực tuyến toàn trình (chiếm 12,8%).
Đồng thời, đến nay có 95/95 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 99,87%.
Ngành giáo dục và đào tạo đã sử dụng ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử để xử lý hồ sơ tuyển sinh đối với thủ tục xét tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú, thủ tục đề nghị miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh và thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục ở địa bàn thành thị bắt buộc phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích các cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến nay 8/8 đơn vị cấp huyện phối hợp bưu điện cùng cấp thực hiện chi trả qua tài khoản cho hơn 4.930 đối tượng, trong đó gần 2.640 người có công, 2.290 người bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh đã cập nhật, đồng bộ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chuẩn hóa, kiểm duyệt, ký số và đồng bộ hơn 18.020 hồ sơ cán bộ lên Kho cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Ông Đồng Văn Thanh (giữa), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao bằng khen cho đại diện tập thể và cá nhân.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án 06 trong 2 năm qua.