https://huunghi.haugiang.gov.vn


Thủ tướng: Hậu Giang phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thủ tướng: Hậu Giang phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh: VGP

TTO - Làm việc tại Hậu Giang, sáng 17-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tỉnh phải biến tiềm lực thành nguồn lực; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả.
Trong chương trình làm việc tại Hậu Giang, sáng 17-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và 6 tháng đầu năm; định hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của tỉnh.
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và tập đoàn kinh tế nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 3,08%; đa số các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế, nguồn thu ngân sách chuyển dịch đúng hướng, hình thành các động lực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn...
Hậu Giang triển khai mạnh mẽ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số có hiệu quả; dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 - 4 được quan tâm xây dựng, đối tượng tham gia ngày càng nhiều hơn. Chỉ số PCI năm 2021 xếp hạng 38/63; chỉ số cải cách hành chính năm 2021 xếp hạng 27/63.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế đã được phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11% (cao nhất từ trước đến nay; cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 8 trong cả nước). 
Tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét, chỉ đạo và hỗ trợ một số nội dung. Cụ thể là cho phép tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang từ nguồn vốn vay nước ngoài phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; tách công tác giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để triển khai các dự án; phân bổ tăng thêm diện tích đất công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; chuyển loại rừng một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương...
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, dù đạt được những kết quả đáng mừng, Hậu Giang chưa phát triển xứng với tiềm năng là nằm vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của tỉnh như: thiếu nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, lại đầu tư dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Tỉ trọng công nghiệp của tỉnh còn thấp; phát triển doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Hậu Giang phải biến tiềm lực thành nguồn lực; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy tinh thần nội lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Hậu Giang cần thúc đẩy công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện, quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Tỉnh tiếp tục xây dựng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác. 
Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần rà soát, tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung phát triển kinh tế tập thể theo nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. 
Hậu Giang phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 
"Hậu Giang phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị", Thủ tướng lưu ý.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hậu Giang, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và khảo sát, nghiên cứu thực tế, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí, trên nguyên tắc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo không gian mới cho Hậu Giang phát triển; đồng thời đảm bảo đúng các nguyên tắc, quy định của pháp luật.
Riêng đối với đề nghị của tỉnh về chuyển loại rừng một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Thủ tướng nhắc nhở: Đây là tài sản quý giá của tỉnh Hậu Giang nói riêng và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cần xem xét thận trọng... 
Nhân chuyến công tác tại Hậu Giang và kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang; thăm các gia đình chính sách tại Hậu Giang.
Toàn tỉnh Hậu Giang có gần 36.000 người có công với cách mạng, hơn 12 liệt sĩ, hiện có hơn 7.600 hài cốt liệt sĩ được an táng tại các nghĩa trang trên địa bàn.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tơ, 84 tuổi, có chồng và 2 con là liệt sĩ, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ; thăm hỏi, tặng quà bà Nguyễn Ngọc Trinh, đảng viên 55 tuổi Đảng, sinh năm 1939, cán bộ bị địch bắt, tù đày trong thời kỳ kháng chiến, hiện sinh sống tại phường 5, thành phố Vị Thanh.
 

Tác giả bài viết: TTXVN

Nguồn tin: Báo Tuổi Trè

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây