https://huunghi.haugiang.gov.vn


Tăng trưởng kinh tế Hậu Giang dẫn đầu ĐBSCL

Tăng trưởng kinh tế Hậu Giang dẫn đầu ĐBSCL
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm hấp chín xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) tại Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Ngày 1/7, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 9, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm của Hậu Giang đạt 11%, đứng thứ 8 cả nước và thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong số đó, công nghiệp và xây dựng là khu vực có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng gần 85%, tăng hơn 11%, sản xuất và phân phối điện, chiếm gần 15% ngành công nghiệp, tăng 750,59%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá. Đóng góp nhiều nhất là sản xuất nông nghiệp của tỉnh chiếm gần 90%, tăng 4,51%; lâm nghiệp chiếm 1,52%, tăng 0,61%; thủy sản chiếm 8,80%, tăng 4,71% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước được gần 5.000 tỷ đồng, tăng 5,03%, đạt gần 50% kế hoạch năm, đóng góp 1,99 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP.
Theo đó, một số ngành tăng trưởng cao so với cùng kỳ góp phần vào sự tăng trưởng chung của cả khu vực như hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng hơn 13%; bán buôn, bán lẻ tăng gần 12%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng hơn 9%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng hơn 8%.
Nguyên nhân là do tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh đi vào ổn định và đang trên đà phục hồi, phát triển sau một thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang quan tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu tiến độ. Việc thu, chi ngân sách được tỉnh triển khai đồng bộ, đầy đủ các giải pháp ngay từ đầu năm, từ đó thu nội địa được chuyển biến tích cực; hoạt động tín dụng thực hiện tốt, nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn theo đúng quy định.
Song song đó lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định nhờ phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt; chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn năm 2022 được các địa phương phát động tích cực; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả; chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được nhân rộng ở các xã.
Trong thời gian tới, Hậu Giang tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình, dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hỗ trợ tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn,… Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển mô hình mỗi xã một sản phẩm.
Tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung nguồn lực, triển khai các giải pháp đồng bộ để tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
Cùng đó, tỉnh cũng rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; kiên quyết cắt giảm công trình, dự án chưa thật sự cần thiết, chưa được làm rõ về hiệu quả kinh tế, xã hội.
 

Tác giả bài viết: Duy Ba (TTXVN)

Nguồn tin: baotintuc.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây