https://huunghi.haugiang.gov.vn


Phát huy lợi thế nông nghiệp gắn với du lịch

Phát huy lợi thế nông nghiệp gắn với du lịch
Huyện Phụng Hiệp đang tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả để gắn kết phát triển du lịch.
Để cụ thể hóa các nghị quyết của tỉnh, Huyện ủy vào chương trình hành động của từng cơ quan, đơn vị, các địa phương ở huyện Phụng Hiệp đã có cách làm phù hợp để góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết đã đề ra.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phụng Hiệp, nhiệm kỳ 2021-2025 xác định sẽ tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo”, ngày 7/4/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phụng Hiệp ban hành Nghị quyết về số 05-NQ/HU về “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025.
Những việc làm cụ thể
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và các điểm di tích lịch sử nằm trên địa bàn nên xã Phương Bình có rất nhiều tiềm năng được huyện Phụng Hiệp quy hoạch để phát triển du lịch. Do đó, thời gian qua chính quyền địa phương nơi đây đã tập trung vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sinh thái để gắn kết với phát triển du lịch Lung Ngọc Hoàng.
Ông Nguyễn Văn Phương, người dân ở xã Phương Bình, cho biết: “Gia đình có đất sản xuất nằm ở vùng ven Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nên thời gian qua ngoài việc canh tác cây khóm, chính quyền địa phương ở đây cũng vận động gia đình tận dụng diện tích mặt nước nuôi cá đồng, trồng bông súng, vừa tạo môi trường sinh thái vừa tạo ra nông sản đặc trưng để phát triển du lịch trong tương lai”.
Ông Nguyễn Văn Tình, Bí thư Đảng ủy xã Phương Bình, cho biết thêm: Để thực hiện định hướng của huyện về phát triển du lịch, trong Đại hội chi bộ cơ sở vừa qua, Đảng bộ xã cũng mạnh dạn kiện toàn lại lãnh đạo chi bộ ấp. Chọn những người đủ đức, đủ tài, có năng lực và uy tín để vận động và triển khai những định hướng của địa phương ra tầng lớp nhân dân. Kết quả trong năm 2022, xã đã vận động người dân chuyển đổi được gần 50ha đất sản xuất kém hiệu quả, xây dựng và nhân rộng được 60 mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng tổng số toàn xã hiện có 130 mô hình làm ăn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Còn xã Tân Long, trước đây là vùng mía nguyên liệu của huyện Phụng Hiệp, nhưng gần đây đã được quy hoạch để phát triển vườn cây ăn trái. Tính đến nay, xã đã phát triển được 1.310ha cây ăn trái như: cam, quýt, canh không hạt, mít thái, sầu riêng, vú sữa hoàng kim... Trong đó, cây vú sữa hoàng kim là loại nông sản đang được địa phương tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP nên thời gian qua bên cạnh mở rộng diện tích, địa phương cũng phối hợp với ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ cho các nông hộ xây dựng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng.
Ông Lê Văn Hổ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, cho biết: Đảng bộ xã cũng tập trung quy hoạch, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình vườn cây ăn trái hiệu quả và đặc trưng của địa phương theo từng khu vực. Như ấp này có thế mạnh về mít Thái thì ấp khác có thế mạnh về sầu riêng hay vú sữa hoàng kim chẳng hạn. Để tới đây khi phát triển du lịch cũng có nơi để giới thiệu cho khách tham quan.
Bên cạnh nông nghiệp, trong lĩnh vực du lịch huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung xây dựng và phát triển 10 điểm du lịch hiện có, trọng tâm là phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phụng Hiệp, cho biết: Theo kế hoạch đề ra thì huyện sẽ huy động khoảng 2 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch trong thời gian tới. Tập trung mở rộng điểm du lịch sinh thái sẵn có với mô hình như: tản bộ vườn tre với các tiểu cảnh làng quê xưa; sản xuất lúa an toàn, trên bờ ruộng trồng hoa kiểng tạo cảnh quan để khách du lịch chụp ảnh lưu niệm; mô hình trồng dừa dưới ao nuôi thủy sản, trồng sen và mô hình tham gia trải nghiệm bắt cá, thu hoạch rau màu theo hướng truyền thống kết hợp ẩm thực.
Những bước đi phù hợp
Do là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy Phụng Hiệp về “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025 nên nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong năm 2022 là tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân. Song song đó tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật sản xuất cho lực lượng cán bộ kỹ thuật cấp xã, thị trấn và nông dân xây dựng mô hình. Tính riêng trong năm 2022, huyện Phụng Hiệp đã tổ chức được 13 cuộc hội thảo và 34 cuộc tập huấn về sản xuất lúa, cây ăn trái và chăn nuôi, thu hút gần 1.000 lượt nông dân tham dự. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2 mô hình về sản xuất lúa sinh thái và sản xuất vú sữa hoàng kim theo hướng VietGAP.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Năm 2022, Trường Đại học Cần Thơ đã ký hợp tác với UBND huyện Phụng Hiệp để hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các lĩnh vực cần thiết theo chuỗi giá trị nhằm phát triển lợi thế và các sản phẩm trọng tâm của huyện Phụng Hiệp như: cây lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi, thủy sản, du lịch miệt vườn… Trước mắt trong năm 2022, trường đã phối hợp với địa phương triển khai thực hiện một số đề tài, dự án về sản xuất nông nghiệp cũng như công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật. Còn việc phát triển nguồn nhân lực sẽ thực hiện trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất cho cán bộ kỹ thuật và nông dân, thời gian qua huyện Phụng Hiệp cũng tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả. Cụ thể, từ nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 05, năm 2022 này ngành nông nghiệp huyện đang triển khai 3 mô hình, gồm: mô hình lúa an toàn tiến đến hữu cơ ở xã Thạnh Hòa; mô hình trồng vú sữa hoàng kim ở xã Tân Long và danh mục tư vấn đào tạo công nhận VietGAP và GlobalGAP trên cây lúa và vú sữa hoàng kim, tổng kinh phí thực hiện khoảng 1,5 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được 1.026 mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có 139 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, tăng 30 mô hình so với năm 2021. Mục tiêu của Nghị quyết số 05, phấn đấu đến năm 2030 huyện Phụng Hiệp có giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,5%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 38,92%. Nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiếu 2 lần so với năm 2020.
 

Tác giả bài viết: Duy Khánh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây