https://huunghi.haugiang.gov.vn


OCOP Hậu Giang: Con đường ngắn nhất để giới thiệu sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng

OCOP Hậu Giang: Con đường ngắn nhất để giới thiệu sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng
Khóm Cầu Đúc - một sản phẩm OCOP đặc trưng của Hậu Giang. Hiện vùng trồng khóm Cầu Đúc tại Vị Thanh còn là điểm nhấn du lịch cộng đồng của địa phương.

Là tỉnh có lợi thế về ngành nông nghiệp, Hậu Giang với nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù là điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các hợp tác xã tích cực tham gia chương trình OCOP

Ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp) có HTX nông nghiệp Kỳ Như luôn tìm tòi, sáng tạo, chế biến cá thát lát đặc sản Hậu Giang thành nhiều món ăn mới, hấp dẫn, đạt OCOP 4 sao. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu của tỉnh Hậu Giang về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh khi có đến 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao từ cá thát lát và cá sặc rằn.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với việc phát triển của Hợp tác xã (HTX), nên đầu năm 2019, HTX Kỳ Như bắt đầu chuyển đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm theo quy chuẩn OCOP trên cơ sở phát triển có sự chọn lọc từ những sản phẩm chủ lực.
Sau khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX Kỳ Như liên tục nhận được nhiều hợp đồng cung cấp với số lượng lớn. Hiện nay, HTX đã mở rộng nhà xưởng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường lên đến 18 tấn/tháng (tương đương 220 tấn/năm), tăng trên 300% so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của khách hàng gần xa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Kỳ Như cũng đã góp phần đảm bảo đầu ra cho hàng chục ha nuôi cá nguyên liệu của các hộ nông dân trong và ngoài địa bàn.
Tương tự, HTX Tân Long (đơn vị đang có sản phẩm mang thương hiệu "Gạo sạch Vị Thủy" đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh), ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Nếu như trước đây, người tiêu dùng và doanh nghiệp, thậm chí nhiều đơn vị trong tỉnh chưa biết đến sản phẩm gạo của HTX Tân Long thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn gần đây, thương hiệu "Gạo sạch Vị Thủy" sản xuất bằng quy trình canh tác lúa hữu cơ đã và đang vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, cho biết: Sau khi sản phẩm gạo sạch của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, người tiêu dùng biết đến quy trình tạo ra sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, đã có một số công ty ở Hà Nội đặt hàng làm đại lý phân phối gạo sạch cho HTX. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng thường xuyên liên hệ HTX để tìm đến mua sản phẩm.

OCOP góp phần nâng cao giá trị nông sản

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên địa phương có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng theo đặc trưng của từng vùng. Từ ưu điểm này, thời gian qua có không ít tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư để những sản phẩm của mình làm ra được công nhận OCOP cấp tỉnh. Tiến bộ rõ rệt nhất là chất lượng các sản phẩm được đầu tư bài bản ngay từ đầu, tiếp theo là về phần mẫu mã vốn là điểm yếu cũng dần khắc phục. Thể hiện sự nghiêm túc ngay trên "sân nhà", sau đó là hướng đến các thị trường khó tính của bản thân doanh nghiệp.
Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá đã giúp cho sản phẩm OCOP của Hậu Giang có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Co.opMart, Vincom… Đáng chú ý, hiện tỉnh có ba điểm bán hàng trực tiếp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).
Một số sản phẩm OCOP của Hậu Giang còn được xuất ngoại. Điển hình như một số sản phẩm trái cây (chanh không hạt, bưởi da xanh, bưởi năm roi) của HTX trái cây sinh học OCOP ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ, thị trường châu Âu (gồm các nước Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên: "Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP; cũng như có chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm khởi nghiệp (trong 175 sản phẩm đạt chuẩn OCOP có 35 sản phẩm khởi nghiệp), nhằm tạo động lực, khơi nguồn sáng tạo trong phát triển sản phẩm mới, sản phẩm cải tiến; tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó quan tâm hơn nữa việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử để tăng tính quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân".
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Với các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng thì thế mạnh chủ yếu về phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa, gạo, tôm, các sản phẩm hải sản và trái cây. Đây đều là những sản phẩm có thể qua sơ chế, chế biến trở thành sản phẩm OCOP, nâng cao được giá trị gấp 2-3 lần so với những sản phẩm thô ban đầu. Đây cũng là xu hướng tiềm năng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long".
Có thể khẳng định từ những sản phẩm OCOP Hậu Giang đã đang nâng tầm giá trị nông sản, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho địa phương.
Hiện, Hậu Giang đang có 175 sản phẩm OCOP được công nhận (68 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao) của 82 chủ thể là người dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp. Đặc biệt, có 5 sản phẩm đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương năm 2023.

Tác giả bài viết: Minh Châu

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây