https://huunghi.haugiang.gov.vn


Ngoại giao kinh tế: Từ Chỉ thị đến hành động

Ngoại giao kinh tế: Từ Chỉ thị đến hành động
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với về ngoại giao kinh tế. (Ảnh: Tuấn Anh)
Ngoại giao kinh tế ngày càng đóng vai trò đặc biệt, trở thành một trong những trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước vào chiều tối ngày 19/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời gian tới.
Người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ
Đây là Hội nghị đầu tiên về công tác ngoại giao kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội, doanh nghiệp và các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng về xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Hội nghị được tổ chức sau cuộc làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Tham tán, Tùy viên thương mại ở nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức cách đây một tháng (ngày 19/8). Đặc biệt, Hội nghị được triển khai ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Các sự kiện ngoại giao kinh tế diễn ra liên tiếp cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Ngoại giao trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế tình hình mới, nhằm đề ra các phương hướng và nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; kịp thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế cả trong và ngoài nước.
Tình hình thế giới tiếp tục có những biến động, với khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, đặt ra những yêu cầu mới và cao hơn đối với công tác ngoại giao kinh tế. Thời gian tới, công tác này cần phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc và hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư.
Trước tình hình và những yêu cầu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phương châm không được chủ quan, mất cảnh giác, “lơ là”, “trong nguy có cơ” để từ đó chủ động kiến nghị các phản ứng chính sách phù hợp với thực tiễn cũng như quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân” để triển khai ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội nghị, thể hiện sự đổi mới về tư duy, cách làm; đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, sát thực tiễn và các đề xuất, sáng kiến, giải pháp cụ thể của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, góp phần thực hiện các mục tiêu quan trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ngày càng nâng cao đời sống và thu nhập của nhân dân.
Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới
Báo cáo Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, thời gian qua, trước những biến động và khủng hoảng sâu sắc của tình hình kinh tế, chính trị, thế giới và khu vực, nhằm góp phần thúc đẩy và tận dụng các cơ hội mới, phát triển của đất nước, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự tập trung tổng lực và quyết tâm cao của các bộ, ngành kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao kinh tế đã được hết sức chú trọng triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hình ảnh và uy tín của Việt Nam thời gian qua được bạn bè quốc tế và các đối tác đánh giá rất cao. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng nhận định, chưa bao giờ chính giới và doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam như hiện nay, đặc biệt là trong và sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng Năm, đã tạo nên hiệu ứng rất mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ song phương.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản đều có thiện cảm với thị trường Việt Nam. Các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã giúp tạo động lực mạnh mẽ và các khuôn khổ mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, trong đó Nhật Bản đã quyết định chọn Việt Nam là nơi thúc đẩy chuyển dịch đầu tư để cải thiện nguồn cung.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành khẳng định, hình ảnh, uy tín của Việt Nam tại Australia hiện đang rất cao. Theo điều tra xã hội học của Viện Lowy vào tháng 6/2022, mức độ người Australia có cảm tình với người Việt Nam ngang với người Mỹ. Thương hiệu Việt Nam đứng thứ 28/243 quốc gia trên thế giới đối với sở tại.
Với mục tiêu tạo lập và giữ vững môi trường, hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, cùng các phương châm bám sát nhu cầu, thực tiễn của đất nước và trọng tâm điều hành của Chính phủ, trên cơ sở lấy hiệu quả, thực chất là tiêu chí hàng đầu và phù hợp với thế mạnh của các đối tác, địa bàn, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Ngoại giao kinh tế đã nhanh nhạy chuyển trọng tâm từ ngoại giao viện trợ khẩu trang, trang thiết bị y tế trong năm 2020 sang triển khai khẩn trương, thần tốc chiến dịch ngoại giao vaccine trong năm 2021, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và sau đó khẩn trương chuyển trạng thái sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đóng góp vào các thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội trong tám tháng qua.
Trong bối cảnh mở cửa kinh tế, các Cơ quan đại diện Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế, nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước... Tám tháng qua, có khoảng 70 hoạt động kết nối và hỗ trợ các địa phương ký kết 40 văn bản hợp tác với các đối tác quốc tế, cũng như phối hợp các bộ, ngành tổ chức nhiều hoạt động gắn với nhu cầu trong nước, như Hội nghị triển khai mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả vào đúng ngày 15/3 khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch quốc tế, các hội nghị, tọa đàm xúc tiến mở rộng thị trường Halal, thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, sang thị trường Australia, xuất khẩu chè sang địa bàn Trung Đông-châu Phi…
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại cả về chiều sâu và chiều rộng, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác với các đối tác chủ chốt thông qua các hoạt động đối ngoại cấp cao và làm việc các cấp. Nổi bật là chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ đạt 25 thỏa thuận hợp tác; thúc đẩy tháo gỡ khó khăn trong thương mại biên giới với Trung Quốc; trong thanh toán, vận tải với Nga; mở rộng thị trường vào EU, tận dụng Hiệp định EVFTA; thu hút đầu tư...
Hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm và gặp khó khăn, các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, quảng bá du lịch, hợp tác lao động, giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững...
Công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách kinh tế được triển khai chủ động, kịp thời trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn năm 2021. Ngành Ngoại giao cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ các chủ trương của ta đối với nhiều vấn đề mới, sáng kiến mới, bảo đảm cân bằng, hài hòa với các đối tác lớn và phù hợp với lợi ích của ta.
Hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm và gặp khó khăn, các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, quảng bá du lịch, hợp tác lao động, giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững....
Công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách kinh tế được triển khai chủ động, kịp thời trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn năm 2021. Ngành Ngoại giao cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ các chủ trương đối với nhiều vấn đề mới, sáng kiến mới, bảo đảm cân bằng, hài hòa với các đối tác lớn và phù hợp với lợi ích của ta.
Chỉ đạo xuyên suốt, hành động kịp thời
Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế cần quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương quan trọng của Đại hội XIII của Đảng: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”.
Nhằm bảo đảm tính cập nhật và thực tiễn của chủ trương, chính sách, đáp ứng tình hình và yêu cầu mới, Bộ Ngoại giao đã tổng hợp, xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022, trong đó xác định“Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”. Chỉ thị được đánh giá là văn bản quan trọng về ngoại giao kinh tế, có tầm chiến lược, định hình tư duy, định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm của công chỉ tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đề xuất nhanh chóng quán triệt, cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo và nội dung Chỉ thị 15 tới từng cơ sở Đảng các cấp ở trong và ngoài nước; xây dựng Kế hoạch hành động của Chính phủ ngay trong quý IV/2022; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động triển khai Chỉ thị.
Hợp tác kinh tế cần trở thành nội dung trung tâm trong các hoạt động ngoại giao cấp cao và các cấp nhằm đưa hợp tác kinh tế với các đối tác thực sự đi vào chiều sâu, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao, nguồn lực quốc tế phục vụ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tháo gỡ khó khăn, các điểm nghẽn để hợp tác kinh tế với các đối tác trên cơ sở cân bằng giữa lợi ích quốc gia với lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác.
Công tác hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế cần được đẩy mạnh hiệu quả, sâu rộng, thực chất, bảo đảm nhất quán chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế mới trên cơ sở phù hợp với lợi ích của ta.
Mạng lưới Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy, tăng cường tính kịp thời, nhạy bén. Chất lượng và mức chuyên sâu của công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, phục vụ thiết thực công tác điều hành của Chính phủ và các chiến lược lớn, nhất là mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả…; huy động tối đa mọi nguồn lực và phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Ý kiến từ các Đại sứ:
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai: Các bộ ngành hữu quan cần xây dựng và triển khai đề án tổng thể về tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất nông sản để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng: Các doanh nghiệp Việt Nam nên hiểu sâu hơn về yêu cầu khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, có biện pháp quảng bá sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng, có chiến lược chiếm lĩnh thị trường phù hợp, kiên quyết tránh gian lận xuất xứ, không rõ nguồn gốc hàng hóa.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam: Mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật có tác động mạnh đến uy tín của hàng hóa Việt Nam tại Nhật. Do vậy, chúng ta cần chú trọng hơn nữa xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Điều quan trọng nhất là các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình đầu tư ở Việt Nam.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo: Chúng ta có lợi thế cạnh tranh rất lớn là Hiệp định EVFTA. Đây là khoảng thời gian vàng để khẳng định vị trí, chiếm lĩnh thị trường EU. Chúng tôi sẽ cùng với Nhà chọn lựa các nhà đầu tư chiến lược là những tập đoàn lớn trên thế giới. Ngoại giao tập đoàn cần có cách tiếp cận phù hợp, vận động, tiếp xúc để thuyết phục đầu tư vào Việt Nam với những ưu đãi nhất định, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân: Xu thế trên thế giới hiện nay là coi trọng vai trò văn hóa. Văn hóa là động lực, mục tiêu, nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững. Công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, tạo đột phá quan trọng cho phát triển kinh tế tri thức, xây dựng nền kinh tế sáng tạo, phát triển kinh tế theo chiều sâu.
 

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin: Báo Mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây