New Zealand đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực
- Thứ năm - 06/06/2024 08:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Peters tới Đông Nam Á kể từ khi người đứng đầu đảng New Zealand Trước tiên đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng trong chính phủ liên minh ba đảng tại New Zealand. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung về quan hệ hai nước. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin Đại sứ cho biết bối cảnh, ý nghĩa và tầm quan trọng của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters tới Việt Nam?
Tôi cho rằng chuyến thăm thể hiện trọng tâm đối ngoại mới của New Zealand, coi Đông Nam Á là nhóm đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, chỉ sau Australia và các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Việc này đã được cả Thủ tướng Christopher Luxon và Ngoại trưởng Winston Peters hơn một lần tuyên bố công khai trong các phát biểu chính sách.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Peters đến Việt Nam diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến New Zealand, cho thấy New Zealand thực sự coi trọng việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực, nơi có thể mang lại động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế New Zealand thông qua hợp tác.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Peters là dịp để Bộ Ngoại giao hai nước, thông qua cơ chế định kỳ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, thảo luận các biện pháp để triển khai các thỏa thuận cấp cao đã đạt được. Hai bên sẽ tập trung thảo luận biện pháp nhằm thực hiện thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2024, xác định ưu tiên và định hướng mới cho Kế hoạch giai đoạn tiếp theo, mà dấu mốc quan trọng là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2025.
Xin Đại sứ chia sẻ về kế hoạch kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2025?
Năm 2025 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand, đánh dấu 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (19/6/1975-19/6/2025) và 5 năm triển khai Quan hệ Đối tác chiến lược. Đây cũng là năm tiền đề quan trọng, đặt cơ sở cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của quan hệ hai nước, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều vận động và chuyển biến khiến mọi quốc gia đều phải điều chỉnh các mục tiêu chính sách để đảm bảo an ninh và phát triển.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ hai trong dịp này sẽ cho phép hai bên trao đổi cụ thể hơn các hoạt động dự kiến phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm quan trọng này. Các hoạt động sẽ hướng tới mục tiêu củng cố lòng tin chiến lược, tin cậy chính trị; ổn định các lĩnh vực hợp tác truyền thống như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường và mở rộng có trọng tâm hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh và quốc phòng; gia tăng hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật dân tộc và giao lưu nhân dân.
Tại New Zealand hiện có khoảng 15.000 người Việt Nam định cư, sinh sống, làm việc và học tập, là nguồn lực quan trọng phát triển tình hữu nghị, cầu nối hợp tác quan trọng giữa nhân dân hai nước. Trong năm 2025, các hội đoàn người Việt cũng sẽ tiếp tục có những hoạt động đa dạng nhằm tôn vinh bản sắc và văn hóa dân tộc, tăng cường khối đoàn kết, gắn bó, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng, hướng tới việc được công nhận là một cộng đồng dân tộc thiểu số tại New Zealand.
Với quy mô khiêm tốn về dân số và nguồn lực, tôi nghĩ rằng hai bên đều hướng tới những hoạt động mang tính thiết thực, có ý nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh của từng nước trong bối cảnh hiện nay.
Đại sứ có thể cho biết định hướng quan hệ hai nước trong thời gian tới? Đại sứ nhận định ra sao về chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm New Zealand vào tháng 3/2024 về “tăng tốc và bứt phá” trong quan hệ hai nước?
Thực tế cho thấy quan hệ hai nước vẫn có bước phát triển ổn định ngay trong thời gian đại dịch COVID-19. Ngay sau đó, hai bên đã có bước chuyển giai đoạn nhanh, mang tính bứt phá. “Tăng tốc và bứt phá”, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức New Zealand vào tháng 3/2024, là những từ khóa chính xác để định hướng chiến lược phát triển quan hệ hai nước hiện nay và trong những năm tới.
Xuất phát từ thế mạnh, tiềm lực và nhu cầu phát triển của cả hai bên, trên tinh thần hợp tác chiến lược với mức độ tin cậy chính trị cao, trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới khó khăn, phức tạp hiện nay, theo tôi, “tăng tốc và bứt phá” cần diễn ra trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống như thương mại hàng hóa hay giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp.
Đột phá là cấp thiết trong các lĩnh vực hợp tác hướng tới động lực tăng trưởng mới của hai nước như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, giảm phát thải, kể cả trong nông nghiệp, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số.
Hợp tác lao động và đào tạo nghề cũng là lĩnh vực cần tăng tốc bởi New Zealand là nước có thế mạnh về đào tạo và đang thiếu nguồn nhân lực trong nhiều khu vực của nền kinh tế.
Kinh tế biển, nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển, đại dương cũng là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, chiến lược lâu dài, xuất phát từ sự tương đồng về địa lý của Việt Nam là quốc gia ven biển và New Zealand là quốc gia hải đảo, với nhiều kinh nghiệm về chính sách và công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến biển cả và đại dương.
Việc triển khai có hiệu quả các định hướng hợp tác mới đề cập ở trên sẽ tạo tiền đề quan trọng, làm cơ sở để nâng cấp quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, đúng như mong muốn được thủ tướng hai nước bày tỏ trong cuộc hội đàm chính thức nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới New Zealand vừa qua.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!