CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN MỘT TRỜI TƯ TƯỞNG, MỘT ĐỜI HÀNH ĐỘNG CỦA BÁC
- Thứ tư - 20/12/2023 09:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Suốt một đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bày tỏ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó không chỉ là khát khao, hy vọng mà còn là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Người suốt hành trình tìm đường cứu nước, sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, phấn đấu vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, nên ở đâu và lúc nào cũng phải luôn rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân, theo Người chính là làm cho nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng quyền lợi trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh để nhân dân thực sự là người làm chủ trong xã hội mới, ngày càng được thụ hưởng đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Khi đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ và Người trình bày với các bộ trưởng “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nêu lên một cách súc tích 6 vấn đề cấp bách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó là những vấn đề cần kíp nhất, thiết thực nhất mà chính quyền cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh đất nước còn chồng chất khó khăn và thiếu thốn. Để góp phần giải quyết nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên Báo Cứu quốc, trong đó có đoạn “Từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”. Trước tình hình đó, Người đề nghị “với đồng bào cả nước” và chính Người gương mẫu thực hành trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”.
Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể nóng vội, “song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”2. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xác định công việc cụ thể, bước đi thích hợp để chăm lo đời sống nhân dân, góp phần từng bước đẩy lùi nạn đói và mang lại quyền lợi dân chủ cho nhân dân, trước hết là nông dân, chăm lo đời sống cho nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của Ðảng và Nhà nước. Tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, mục đích của chủ nghĩa xã hội nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
Mục tiêu cốt lõi để nhân dân không còn đói nghèo, được bảo đảm về an sinh xã hội: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở,... là các chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ phải luôn luôn hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người; phải được thực thi hiệu quả mới góp phần làm ổn định xã hội, phát huy nguồn lực từ dân, sức dân, khả năng sáng tạo của nhân dân để mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Đặc biệt, các chủ trương và các chính sách đó phải trở thành một động lực to lớn để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo cơ sở vững chắc để ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”3.
Quan điểm Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng ta vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hàng năm; thể hiện trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong hơn 30 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”4 như văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định. Theo đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm và đảm bảo,…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều chính sách, nhiều bước đi sáng tạo, đột phá nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được nâng cao về đời sống và được thụ hưởng những thành quả mà chính nhân dân làm ra.
Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư phát triển là điểm nổi bật của Hậu Giang. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạ tầng giao thông đã xây dựng được mạng lưới giao thông từng bước đồng bộ, nối liền từ ấp đến xã, huyện, tỉnh và kết nối vào hệ thống quốc lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân và doanh nghiệp. “Hạ tầng đô thị cũng được đầu tư phát triển, thành phố Vị Thanh đã đạt 53/59 tiêu chí đô thị loại II; thị xã Long Mỹ đã đạt 52/59 tiêu chí đô thị loại III. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phát triển nhanh. Giáo dục đã thoát khỏi “vùng trũng” với 206/340 trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt, năm 2013, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên của ĐBSCL xóa các xã trắng trường mầm non, mẫu giáo; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…”. Sự đổi thay khá toàn diện của Hậu Giang thể hiện rõ trên các mặt: Quy mô nền kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và nguồn thu ngân sách của tỉnh lớn hơn gấp nhiều lần; chăm lo an sinh xã hội cho người dân tốt hơn. Đó là kết quả của tư duy tìm tòi và cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị cùng với tinh thần đoàn kết, cần cù, vượt khó của nhân dân tỉnh nhà. Thành quả ấy cũng chính là sự thể hiện sinh động của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho những di sản của Người sống mãi trong lòng nhân dân và trường tồn cùng dân tộc.