Hậu Giang: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới
- Thứ hai - 28/08/2023 08:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tỉnh Hậu Giang đang đối mặt với chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế
Theo số liệu từ Đề án “Thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ” của tỉnh Hậu Giang, đến đầu năm 2023, tổng số cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong tỉnh (không bao gồm hợp đồng lao động) là khoảng 15.000 người, trong đó có khoảng 2.000 cán bộ, công chức và khoảng 13.000 viên chức. Cụ thể, khối Đảng có hơn 700 người và khối chính quyền có hơn 14.000 người.
Trong số cán bộ của tỉnh, cán bộ được tuyển dụng đầu vào chỉ có khoảng 5.000 người qua thi tuyển (chiếm hơn 34%), còn lại khoảng 10.000 cán bộ là không qua thi tuyển, chiếm hơn 65%.
Những năm qua, xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ” bình quân từng năm của tỉnh là 7,4 cán bộ, công chức (chiếm 0,33%) và 84,6 viên chức (chiếm 0,59%); số lượng “Hoàn thành nhiệm vụ” bình quân từng năm có 22,2 cán bộ, công chức (chiếm 0,98%) và 594 viên chức (chiếm 4,17%).
Tỷ lệ cán bộ qua thi tuyển đầu vào của cả khối Đảng và chính quyền thấp; cán bộ tiếp nhận thẳng vào làm việc cao. Cùng với đó, chất lượng đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa đúng thực chất với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Công tác đánh giá cán bộ còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức còn khá phổ biến.
Bên cạnh đó, nguồn cán bộ đầu vào của tỉnh nhìn chung chưa cao, số lượng và tỷ lệ cán bộ được đào tạo bài bản thấp, chủ yếu cán bộ không qua thi tuyển. Tại hầu hết các cơ quan, đơn vị còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ. Tuổi đời bình quân cán bộ khá cao và đang trong tình trạng già hóa do thiếu chỉ tiêu tuyển mới đầu vào, tỷ lệ cán bộ trẻ từ 30 tuổi trở xuống rất thấp (8,95%).
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là nguồn cán bộ bổ nhiệm phần lớn khép kín trong cơ quan, đơn vị, chủ yếu dựa vào nhân sự tại chỗ, chưa có sự mở rộng thu hút những người có năng lực từ bên ngoài để bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; bổ nhiệm theo trình tự; chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản và có năng lực công tác để bổ nhiệm giữ chức vụ cấp trưởng phòng trở lên...
Mặt khác, trong thời gian qua, cơ chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ hiện hành, tiêu chí đánh giá cán bộ, các khâu lấy ý kiến, thăm dò bằng phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa phát hiện hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Tạo đột phá trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Đề án “Thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ” được tỉnh Hậu Giang thực hiện năm 2023, sau đó rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo, nhằm tạo đột phá hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là tăng cường cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới.
Hậu Giang đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến vượt bậc trong việc nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ và cơ quan, đơn vị. Tỉnh thực hiện nghiêm quy định về bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại đối với cán bộ, đưa công tác đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ đi vào thực chất, làm cơ sở để thực hiện liên thông, đồng bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ.
Hậu Giang cũng kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế có chỉ tiêu cứng (ngoài chỉ tiêu biên chế Trung ương giao giai đoạn 2022 - 2026) để tuyển dụng thay thế bằng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh thực hiện nghiêm Quy định số 1120-QĐ/TU ngày 01/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng: Đối với cơ quan, đơn vị, địa phương được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ phải có cán bộ được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ, qua đó, làm cơ sở đưa ra khỏi biên chế những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, thay thế những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bằng những cán bộ trẻ, có phẩm chất và năng lực.
Hậu Giang thành lập Hội đồng tuyển dụng cấp tỉnh để tuyển dụng cán bộ trẻ, chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh nhằm thay thế số cán bộ đã giảm được do nghỉ hưu, thôi việc và tinh giản biên chế theo quy định. Tỉnh thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, đảm bảo tính cạnh tranh cao và đổi mới mạnh mẽ hình thức tuyển dụng, ứng dụng công nghệ thông tin (thi trực tuyến trên máy tính) và thi phỏng vấn nhằm chọn lọc được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, Hậu Giang nghiên cứu thực hiện chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản trị doanh nghiệp có phẩm chất, năng lực cao, phù hợp với yêu cầu quản lý, mục tiêu phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực mũi nhọn vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Những ngày gần đây, tại một số hội nghị công bố quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt của tỉnh, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang đề cập công tác bổ nhiệm cán bộ đang được tỉnh hết sức quan tâm. Đây là việc làm thường xuyên của tỉnh nhưng cũng là dịp để phát huy hết sở trường và hạn chế dần các sở đoản của cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm trong tình hình mới.
Hậu Giang đề ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023 – 2026 sẽ tinh giản biên chế tối thiểu 5% cán bộ, công chức và tối thiểu 5% viên chức (ngoài chỉ tiêu biên chế Trung ương giao giảm giai đoạn 2022 - 2026) để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực thay thế. Trong đó, giai đoạn 2023 – 2024, tỉnh tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 2% cán bộ, công chức và tối thiểu 2% viên chức; giai đoạn 2024 – 2026, tỉnh tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 3% cán bộ, công chức và tối thiểu 3% viên chức.
Tỉnh kỳ vọng việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ sẽ tạo sự chuyển biến vượt bậc trong nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ và cơ quan, đơn vị. Từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ của tỉnh, tạo nguồn đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.