https://huunghi.haugiang.gov.vn


Hậu Giang dự kiến nới lỏng như thế nào tới đây?

Hậu Giang dự kiến nới lỏng như thế nào tới đây?
Quang cảnh cuộc họp chiều 30-9. ẢNH ĐANG THƯ
(HGO) - Theo nhấn mạnh của Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh: Nới lỏng các quy định phòng, chống dịch khi đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là chuyện phải thực hiện. Tuy nhiên, đã nới lỏng càng nhiều thì trách nhiệm từng đơn vị, địa phương càng cao, càng lớn, có vậy  mới đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Mới thảo luận các nội dung nới lỏng, chưa có quyết định chính thức...
Tại cuộc họp chiều 30-9, những dự thảo dự kiến sẽ nới lỏng tới đây được Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên và yêu cầu các thành viên Sở Chỉ huy, lãnh đạo các địa phương thảo luận. Đây chỉ là những nội dung được thảo luận tại cuộc họp, sau khi tổng hợp, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh sẽ tổng hợp lại trình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh có chỉ đạo tới đây. Theo đó, các nội dung được thảo luận, xin ý kiến tại cuộc họp là:
Đối với các biện pháp bắt buộc chung: Đối với cá nhân thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế); người có dấu hiệu ốm, sốt thì nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.
Đối với tổ chức, đơn vị: thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn của Bộ Y tế, đăng ký, cập nhật, tự đánh giá thường xuyên thông tin trên hệ thống antoancovid.vn; việc đăng ký hoàn tất 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với chính quyền: tăng cường các biện pháp giám sát dịch trên địa bàn quản lý; rà soát, bố trí lại các chốt kiểm soát, đảm bảo kiểm soát chặt người và phương tiện (thủy, bộ) ra vào xã, phường, thị trấn trong huyện, thị xã, thành phố cũng như ra vào Tỉnh; tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Về các hoạt động tiếp tục tạm dừng: Các sự kiện văn hóa, vui chơi, giải trí tập trung trên 30 người (trừ trường hợp được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền); Hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (như: các tụ điểm ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, karaoke, rạp chiếu phim, khiêu vũ; trò chơi điện tử, tiệm game, internet công cộng; cơ sở mát-xa, xông hơi, phẫu thuật thẩm mỹ; hoạt động hội chợ, chợ đêm)...
* Về các hoạt động được phép hoạt động trở lại nhưng phải áp dụng các biện pháp bắt buộc chung nêu trên, đó là các cơ sở kinh doanh, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, du lịch và các hoạt động khác (trừ các hoạt động nêu trên) được phép hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như trang bị phòng hộ (khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn…) cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc;
Không tập trung trên 30 người tại nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, nhà máy, công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở, địa điểm được phép hoạt động; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc;
Xin ý kiến nội dung: Người dân trong tỉnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 đã qua 14 ngày được di chuyển nội tỉnh; trường hợp người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 đã qua 14 ngày khi di chuyển ra ngoài tỉnh trở về hoặc người về từ địa phương khác vào tỉnh phải thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật test kháng nguyên vào ngày thứ 3 và thứ 7 nếu âm tính thì kết thúc việc theo dõi sức khỏe tại nhà.
* Đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhà nước có các nội dung được thảo luận liên quan: Hạn chế hội họp đông người không cần thiết; tăng cường hình thức họp trực tuyến. Trường hợp cần thiết tổ chức họp thì phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 đã qua 14 ngày được đi làm trở lại bình thường và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;
Đổi mới phương thức làm việc thông qua ứng dụng công nghệ thông tin  để giảm chi phí thời gian và nhân lực; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích và các phương thức giao tiếp trực tuyến với người dân.
Sau khi thảo luận, tập hợp ý kiến từ các đơn vị, địa phương sẽ tổng hợp và trình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh cho ý kiến.
Các ổ dịch cơ bản được kiểm soát
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid – 19 tỉnh, trong 12 ngày qua tỉnh có 36 trường hợp nhiễm mới Covid – 19. Trong đó, có 17 trường hợp là F1 đã được cách ly tập trung liên quan đến ổ dịch tại xã Long Phú, thị xã Long Mỹ; 4 trường hợp người dân được đón từ Thành phố Hồ Chí Minh đợt 2, cách ly tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang; 11 trường hợp là người về từ tỉnh, thành khác đã được cách ly tập trung trước đó; 4 trường hợp ghi nhận nhiễm trong cộng đồng.
Riêng ổ dịch xã Long Phú, tính đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận tổng cộng 49 trường hợp nhiễm Covid – 19 (xã Long Phú có 47 trường hợp, xã Long Trị A có 1 trường hợp, phường thuận An có 1 trường hợp). Gồm 26 trường hợp F0 trong cộng đồng; 23 trường hợp F1 chuyển thành F0 liên quan đến ổ dịch tại xã Long Phú. Tính đến 9 giờ sáng ngày 30 - 9, đã truy vết được 319 F1 (đã hoàn thành cách ly tập trung 183, hiện còn 136 đang cách ly), 1.181 F2 (đã hoàn thành cách ly 571, hiện còn 610 người đang cách ly). Các ổ dịch Covid – 19 của tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, riêng ổ dịch xã Long Phú vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Tổng số trường hợp mắc Covid – 19 tại tỉnh đến thời điểm hiện tại là 539 người. Đã được điều trị khỏi 477 bệnh nhân. Tử vong tại tỉnh 2 bệnh nhân. Chuyển tuyến điều trị 3 bệnh nhân (đã tử vong 1 bệnh nhân). Tổng số bệnh nhân đang được cách ly điều trị là 57 bệnh nhân.
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nêu ý kiến tại cuộc họp: Bộ Y tế đã có chỉ đạo, hướng dẫn không thể nói “Zero Covid-19”, mà hướng tới đây là điều tra, truy vết thật nhanh nếu xuất hiện người nhiễm Covid-19, sau khi truy vết rõ nguồn lây sẽ phong tỏa diện hẹp, không phong tỏa rộng như đã làm trước đây, chú trọng cho cách ly ngay tại nhà.
Liên quan đến xét nghiệm đối với doanh nghiệp: Sẽ giao quyền cho doanh nghiệp tự mua kit xét nghiệm, tự xét nghiệm và chịu kết quả xét nghiệm, ngành Y tế sẽ có sự hỗ trợ chuyên môn cần thiết, kiểm tra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 ở doanh nghiệp...
Các địa phương cho rằng cần nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch
Tại cuộc họp, Sở Chỉ huy đã thông tin về một số quy định trong dự thảo công văn sắp ban hành của UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 sẽ áp dụng tới đây, trong đó, có nhiều quy định nới lỏng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tất cả các địa phương thống nhất sử dụng “hộ chiếu” vắc – xin để di chuyển trong nội tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Thành phố đã tập trung quản lý đối tượng người từ vùng dịch về thời gian qua. Nhận thức người dân đã nâng lên và đi vào nề nếp. Thành phố thống nhất nới lỏng thực hiện theo tinh thần công văn dự thảo từ đầu tháng 10. Nhưng vẫn siết chặt kiểm soát đối tượng từ bên ngoài vào, trong đó, có công nhân và cán bộ công chức. Với quy định theo dự thảo công văn mới sắp ban hành “người dân trong tỉnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc - xin phòng Covid-19 đã qua 14 ngày được di chuyển nội tỉnh” chúng tôi tán thành để tạo điều kiện cho người dân di chuyển và đảm bảo phát triển kinh tế, cán bộ đến nơi làm việc. Khi thực hiện quy định này, đề nghị ưu tiên tiêm vắc – xin phòng dịch Covid – 19 cho cán bộ công chức và công nhân, người lao động để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đối với những người chỉ mới tiêm 1 mũi vắc – xin phòng Covid – 19 và chưa được tiêm cùng cần có quy định cụ thể áp dụng như thế nào để các địa phương thống nhất thực hiện.
Cũng liên qua đến quy định “hộ chiếu” vắc – xin, vẫn còn những vấn đề còn đáng lo, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế: “Người đã tiêm 2 liều vắc – xin dù có kháng thể vẫn nhiễm bệnh. Nếu quy định trường hợp người đã tiêm đủ 2 mũi vắc - xin phòng Covid-19 đã qua 14 ngày khi di chuyển ra ngoài tỉnh trở về hoặc người về từ địa phương khác vào tỉnh phải thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày sẽ đáng quan ngại. Hiện nay, tình trạng người ngoài tỉnh về rất lớn, nếu áp dụng giải pháp này nguy cơ bùng phát dịch rất lớn ở tỉnh ta. Cần cân nhắckỹ, đề nghị áp dụng cách ly tại nhà 14 ngày dù đã tiêm 2 mũi vắc – xin đối với các trường hợp này'".
Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại hay không cũng được quan tâm thảo luận và hầu hết các huyện thống nhất mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng nội tỉnh, nhưng rất lo nguy cơ dịch xâm nhập, rất khó kiểm soát nếu mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh. Ông Võ Văn Trung, Bí thư Thị ủy Long Mỹ, băn khoăn: “Xe vận chuyển hành khách liên tỉnh rất khó quản lý, nếu cho vận chuyển liên tỉnh là yếu tố nguy cơ làm lây lan dịch Covid – 19”.
Theo dự thảo công văn mới, dự kiến sẽ mở lại các chợ, các cơ sở kinh doanh, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, du lịch và các hoạt động khác được phép hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch. Một số hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu vẫn được đề nghị tiếp tục dừng.
Liên quan quy định đi chợ, các sở, địa phương đề nghị tiếp tục duy trì quy định như hiện nay. Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, đề xuất: “Vẫn tiếp tục quy định phát phiếu đi chợ và quy định giờ đi chợ như trước đây, mỗi hộ đi chợ 2 ngày một lần. Yêu cầu các chợ tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như sát khuẩn, đo thân nhiệt”.
Nới lỏng càng nhiều thì trách nhiệm càng lớn, càng cao
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, đánh giá: Những ngày qua, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân đã tập trung rất quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch. Khi Hậu Giang thiết lập, xây dựng “vùng xanh” đã mở ra những điểm mới trong phòng, chống dịch, nhìn chung là kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Các doanh nghiệp đã được tạo điều kiện tối đa được hoạt động lại trên tinh thần sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất. Hoạt động an sinh, xã hội phục vụ người dân được kịp thời. Với quan điểm chung là không để người dân nào đói ăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Với những trường hợp khó khăn không nằm trong diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 đã được tỉnh vận động xã hội hóa để thực hiện công tác chăm lo. Công tác chăm lo sức khỏe nhân dân được làm tốt, kể cả những nơi đang cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16. Tỉnh nhà đã có kế hoạch ứng phó một cách chủ động từ trang thiết bị, nhân sự trong điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là thực hiện mô hình “Tháp 3 tầng” theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Trong xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong cộng đồng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, có những điều cần rút kinh nghiệm: Đó là việc quản lý đối tượng có nguy cơ lây nhiễm chưa chặt, không sát sao, chưa sâu, dẫn đến công tác kiểm soát dịch thiếu khoa học. Có lúc, có nơi vẫn xuất hiện tình trạnh chủ quan, lơ là, khi xuất hiện ổ dịch còn chậm truy vết, dịch đi trước cứ chạy theo sau lưng, do lúng túng nên khoanh vùng quá rộng… từ đó, dẫn đến những tốn kém không cần thiết, hiệu quả chưa như mong muốn.
Trong thực hiện chế độ cho lực lượng phòng, chống dịch chưa kịp thời. Không ít người dân chưa chấp hành nghiêm “Thông điệp 5K”. Bên cạnh đó, người dân từ các tỉnh, thành có dịch di chuyển về tỉnh nhiều hơn, đây là nguy cơ đã được nhìn nhận. Ngoài ra, có tình trạng những trường hợp ủ bệnh lâu sau thời gian cách ly tập trung…
Từ những vấn đề trên, xác định công tác phòng, chống dịch tới đây sẽ có khó khăn. Tỉnh nhà rất muốn nới lỏng, nhưng vấn đề là nới lỏng sao cho an toàn nhất. Khi đã nới lỏng thì  phải đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, chăm lo tốt sức khỏe cho người dân là trước hết và trên hết. Nếu đảm bảo được các yêu cầu đó thì mới có thể nới lỏng. Nới lỏng càng nhiều thì trách nhiệm trong kiểm soát dịch bệnh phải càng cao.
Nới lỏng các quy định phòng, chống dịch là điều tất yếu, nhưng vấn đề ở đây là làm sao để mở ra nhưng phải an toàn, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh, còn một khi đã có dịch xâm nhập vào tỉnh thì hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Tới đây, từng địa phương tiếp tục xác định rõ trách nhiệm “pháo đài” trong phòng, chống dịch, mỗi người dân là chiến sĩ, chủ thể, trung tâm phòng dịch, với yêu cầu “5K” là chuẩn nhất để phòng, chống dịch bệnh, người dân phải tự ý thức, tự chấp hành.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải thực hiện một cách sớm nhất, vắc-xin về tới đâu phải tiêm tới đó, không để có tình trạng lựa chọn loại vắc-xin để tiêm chủng. Vắc-xin đã có thử nghiệm, thẩm định, được Bộ Y tế cấp phép đưa về các địa phương, thì nên an tâm, vắc-xin tốt nhất là vắc-xin tiêm sớm nhất. Tới đây tháng 10 và tháng 11, lượng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ nhiều, nên việc tổ chức phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, đã ưu tiên phải đúng đối tượng. Trong xét nghiệm sàng lọc, đã qua 4 lần thực hiện, công tác này tới đây cần khoa học, từng đối tượng có sự tính  toán tỷ lệ phần trăm để đảm bảo xét nghiệm đúng đối tượng.
Trong quản lý phải chặt chẽ, bất cứ ai ra vào địa bàn tỉnh Hậu Giang đều phải biết rõ, nhất là những đối tượng có nguy cơ, trong đó phát huy cao độ vai trò của các tổ Covid cộng đồng, vai trò giám sát của từng hộ dân, từng người dân.
Trong cách ly F1 tại nhà, đã chọn hai địa phương thí điểm, định hướng tới đây của Bộ Y tế sẽ mở rộng, nhưng chú ý phải đủ điều kiện, đã cách ly tại nhà phải có sự quản lý được, đảm bảo cơ sở vật chất thì mới có thể cho cách ly tại nhà...
Địa phương nhận định nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài vào rất lớn; yêu cầu nới lỏng bên trong nhưng phải kiểm soát chặt người từ ngoài tỉnh về
Theo ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy: Tình trạng người từ vùng dịch trốn về địa bàn vẫn còn diễn ra, những ngày qua huyện liên tục có người về, đây là mối nguy cơ rất lớn, nếu không kiểm soát chặt, bỏ sót một trường hợp nào nhiễm bệnh sẽ rất nguy hiểm.
Còn ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho rằng: Tại các chốt kiểm soát dịch của huyện, trung bình có 200 người về mỗi ngày từ các tỉnh, thành phố khác về các tỉnh lân cận Hậu Giang. Tình trạng này tạo áp lực rất lớn cho địa phương trong kiểm soát dịch, cần có dự báo tình huống và có phối hợp các tỉnh để ứng phó. Thực tế công tác phối hợp với các tỉnh để giải quyết thực trạng này còn khó khăn.
Tại huyện Long Mỹ cũng không ngoại lệ, ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, bày tỏ: “Thời gian tới dù có nới lỏng vẫn cần tiếp tục kiểm soát chặt tài xế “luồng xanh” và người từ ngoài tỉnh về. Người đi nằm viện ngoài tỉnh về vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Việc xe liên tỉnh hoạt động cũng sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, khó kiểm soát. Trong khi người dân các tỉnh, thành phố khác đang có nguyện vọng về tỉnh”.
Theo tổng hợp của Sở Y tế: Trong 12 ngày qua, số người từ ngoài tỉnh về tỉnh ghi nhận  1.554 người (thành phố Cần Thơ là 722 người; Thành phố Hồ Chí Minh có 89 người; tỉnh Bình Dương có 43 người; địa phương khác về 700 người).
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây