https://huunghi.haugiang.gov.vn


Hậu Giang có những cách làm hay trong nâng cao vị thế của phụ nữ

Hậu Giang có những cách làm hay trong nâng cao vị thế của phụ nữ
Thông qua các lớp đào tạo nghề giúp phụ nữ có được việc làm, ổn định cuộc sống
Xoay quanh công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hà (ảnh) nhân chuyến công tác của bà tại Hậu Giang vừa qua.
Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng đánh giá gì về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở Hậu Giang ?
- Tôi đánh giá cao kết quả Hậu Giang đạt được trong công tác này. Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các cấp rất tốt; hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh thường xuyên. Việc triển khai các nội dung tương đối bài bản, khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương. Các nội dung tham mưu của các cơ quan thường trực thực hiện rất tốt. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được quan tâm thực hiện.
Qua báo cáo cho thấy Hậu Giang có những cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ. Điển hình là trong lĩnh vực chính trị có 25,6% cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 20%; cấp huyện chiếm tỷ lệ 16,1% và cấp xã chiếm tỷ lệ 18,9%. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh chiếm tỷ lệ 33,3%. Các chỉ số liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn phụ nữ chiếm khoảng 40%. Về lao động việc làm có hỗ trợ vay vốn cho phụ nữ đạt 80%, giúp chị em phụ nữ có điều kiện khởi nghiệp. Về giáo dục và đào tạo, phụ nữ ngày càng có cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn, tỷ lệ học sinh nữ ở các cấp học, bậc học từ bằng tới cao hơn học sinh nam; tỷ lệ nữ giáo viên dạy giỏi và đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo các cấp học; nữ giáo viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú ngày càng tăng, nhiều đề tài nghiên cứu được Hội đồng khoa học tỉnh công nhận.
Tỉnh đã thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các môn học như: giáo dục công dân, sinh học và các hoạt động ngoại khóa; giáo dục kỹ năng sống ở các cấp học trong trường phổ thông; giáo dục phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Chú trọng việc lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch về giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, tỉnh có nhiều mô hình điển hình, trong đó có những mô hình rất hay, cụ thể.
Vậy Thứ trưởng ấn tượng với những mô hình nào của Hậu Giang, thưa Thứ trưởng ?
- Tôi ấn tượng với mô hình “Nam giới đồng hành cùng phụ nữ” được thực hiện trên địa bàn tỉnh, các mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng”, “Gia đình hạnh phúc - phòng, chống bạo lực gia đình” ở huyện Châu Thành A. Các mô hình được thực hiện cụ thể, có số liệu, có cách làm, có phương pháp, có con người, có nguồn lực.
 Tới đây, Hậu Giang cần làm gì để thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, thưa Thứ trưởng ?
- Tỉnh cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới, đặc biệt là vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ. Qua đó, mọi người thấy được đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội, khi đó phụ nữ sẽ phát huy hết trình độ, năng lực của mình. Rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ tham gia quản lý lãnh đạo, để đề xuất việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ nữ theo lộ trình phù hợp với điều kiện của cơ quan, địa phương. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp theo hướng tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ nữ phấn đấu, trưởng thành tham gia vào các vị trí lãnh đạo quản lý. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp để xây dựng kế hoạch triển khai đề án nhằm giải quyết các vấn đề tác động tiêu cực đến phụ nữ và bình đẳng giới sau đại dịch Covid-19, các vấn đề đối với phụ nữ có tính đặc thù như phụ nữ lấy chồng người nước ngoài, phụ nữ di cư, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số…
Quan tâm vấn đề sức khỏe, tâm lý, tinh thần, việc làm của phụ nữ sau đại dịch Covid-19; vấn đề bạo lực với phụ nữ. Nghiên cứu phát triển mô hình tư vấn hỗ trợ thúc đẩy đảm bảo bình đẳng giới, để tăng cơ hội việc làm cho phụ nữ, đảm bảo thu nhập tối thiểu, giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, triển khai chính sách pháp luật, chương trình kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các mô hình, các cơ sở cung cấp dịch vụ đạt chuẩn; chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái trên địa bàn…
 

Tác giả bài viết: Bích Châu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây