https://huunghi.haugiang.gov.vn


Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023: Đã hấp dẫn ngay từ họp báo

Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023: Đã hấp dẫn ngay từ họp báo
“Mini show” đặc biệt chào đón truyền thông với những mẫu áo bà ba được trình diễn dành riêng cho sự kiện lần này.
Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 lần đầu tiên được tổ chức, hứa hẹn độc đáo, ấn tượng, mang đậm nét văn hóa của người miền Tây nói chung, Hậu Giang nói riêng, minh chứng cho điều này là ngay khởi đầu buổi họp báo đã tạo những điểm nhấn, hấp dẫn với người tham dự...
“Mini show” đặc biệt chào đón truyền thông
Một cuộc họp báo diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ nhưng chứa đựng hết những thông tin, ý tưởng Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023, đặc biệt hơn với một “mini show” trình diễn các bộ sưu tập áo bà ba của các nhà thiết kế đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ...
Nhiều nhà báo đại diện cho 30 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, góp mặt trong buổi sáng họp báo, đều chia sẻ đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và thật sự thú vị khi tham gia buổi họp báo này.
Từ trước đến nay, đa phần các cuộc họp báo thông tin sự kiện đều tổ chức trong hội trường, với những tài liệu, câu hỏi đáp khô cứng. Nhưng lần này, từ không gian mở, nên thơ của Khu văn hóa Hồ Sen, trên sân khấu hình tròn có sức chứa không nhiều nhưng qua bàn tay của nhà thiết kế Minh Hạnh, đã mang đến một không gian yên bình, để mọi người lắng hồn về với những nét văn hóa xưa, nhưng mang đặc trưng của miền sông nước Hậu Giang. Có hồ nước, hoa sen, hoa súng, khóm, cá thát lát. Trên nền đó, khách mời ngồi hình vòng cung, có thể nhìn rõ mỗi chuyển động trên sân khấu bình dị mộc mạc. Ở đó, những nghệ nhân trong chiếc áo bà ba ngồi đan từ sản vật của vùng sông nước, những em học sinh với những bước đi còn ngại ngùng, giới thiệu các thiết kế áo bà ba làm từ tơ khóm...  
Tiếng vỗ tay không ngớt cho từng màn trình diễn ngắn gọn, đơn giản mà đầy đủ ý nghĩa của việc tổ chức Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, hơn 10 năm trước, bà đã đến đây, giờ trở lại vẫn... buồn, nhịp sống hiện đại không thể như thế được. Ý tưởng nhen nhóm và bà muốn làm một món quà thật sự ý nghĩa, khác biệt để tặng cho Hậu Giang. Bởi qua tìm hiểu, bà biết được nơi đây rất tiềm năng, ẩm thực đa dạng, sản vật phong phú. Hậu Giang rất duyên dáng, với nét văn hóa đặc trưng, có điều chưa được khơi gợi để khai mở mạch nguồn, trở thành động lực, để bứt phá. Ý tưởng trình bày xong và nhanh chóng được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Việc thực hiện khẩn trương bằng tất cả tâm huyết, sự chuyên nghiệp từ cộng sự của nhà thiết kế Minh Hạnh, từng phần việc được triển khai, có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của UBND tỉnh, thành phố Vị Thanh, các sở, ban, ngành. Phim quảng bá về sự kiện nhanh chóng được quay dựng, hình ảnh được chụp, vải để may 500 áo bà ba gửi đến tiểu thương Chợ nông thôn Vị Thanh mặc buôn bán trong ngày diễn ra sự kiện được giao cho các nhà may. Tất cả đều được thực hiện nhịp nhàng, qua sự giám sát chặt chẽ, khắt khe của nhà thiết kế Minh Hạnh. Những chuyện không thể đã trở thành có thể và thời điểm này, diễn tiến của từng phần việc đều đạt theo đúng ý tưởng, để tự tin giới thiệu với mọi người những thành quả đầu tiên.
Sự hấp dẫn còn ở phía trước...
Từ đây đến ngày diễn ra hoạt động đầu tiên không nhiều. Ngày 16-9 tới đây, buổi tọa đàm “Áo bà ba xưa và nay - Những cung bậc cảm xúc”, sẽ diễn ra tại trường quay Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, truyền hình trực tiếp. Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Tọa đàm này ban đầu không có trong kế hoạch, nhưng qua quá trình thực hiện, tôi thấy cần phải có một buổi nói chuyện, để những diễn giả, người nổi tiếng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ... trao đổi, chia sẻ về lịch sử của chiếc áo mang hồn cốt của người dân Nam bộ “. Là hoạt động đầu tiên, nhưng lại được bổ sung sau cùng, nên việc chuẩn bị càng gấp rút và cũng đang dần hoàn thành những khâu quan trọng, từ mời diễn giả, chuẩn bị không gian tổ chức..., đảm bảo sự kiện diễn ra chất lượng, tạo được sức lan tỏa.
Ngày 6-9, các tiểu thương Chợ nông thôn Vị Thanh lần đầu tiên được mặc áo bà ba mới may đo để buôn bán, một cách quảng bá cho sự kiện. Đa phần các nhà báo được mời dự họp đều không hay chuyện này. Nhà báo Vũ Minh Tuấn, Báo Phụ nữ Việt Nam, cũng bất ngờ, khi bắt xe xuống sớm, tìm nơi để ngồi chờ, thì phát hiện chợ nông sản này, nên trải nghiệm. Anh chia sẻ: “Không ngờ tôi may mắn “bắt” được những khoảnh khắc quý giá. Tôi đi một vòng, thấy mọi người lần lượt mặc áo bà ba là biết mình may mắn vì chắc chắn sẽ là một hoạt động đặc biệt.  Tôi thật sự ấn tượng với hình ảnh này và chỉ biết chụp thật nhiều ảnh, nắm trọn những khoảnh khắc đẹp nhất. Tôi còn may mắn tháp tùng cùng Ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam cũng đang trải nghiệm, nghe ông hỏi chuyện tiểu thương, tìm hiểu từng loại nông sản với tất cả sự thích thú, tôi thật sự không diễn tả được cảm xúc của mình”.
Những điểm hấp dẫn của Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 vẫn còn ở phía trước. Những người tổ chức đang nỗ lực hết sức để những ý tưởng tốt đẹp được kết tinh, tạo thành những dấu ấn khó quên với ai một lần tham dự. Tất cả đều cùng mục đích đánh thức và lan tỏa những giá trị truyền thống, giới thiệu nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân miền Tây, tạo điểm nhấn, quảng bá đất và người Hậu Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế...
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh - Tổng đạo diễn Festival Áo bà ba, hơn 10 năm trước, bà đã đến đây, giờ trở lại vẫn... buồn, nhịp sống hiện đại không thể như thế được. Ý tưởng nhen nhóm và bà muốn làm một món quà thật sự ý nghĩa, khác biệt để tặng cho Hậu Giang. Bà biết được nơi đây rất tiềm năng, ẩm thực đa dạng, sản vật phong phú. Hậu Giang rất duyên dáng, với nét văn hóa đặc trưng, có điều chưa được khơi gợi để khai mở mạch nguồn, trở thành động lực, để bứt phá....

Tác giả bài viết: Vĩnh Trà

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây