https://huunghi.haugiang.gov.vn


Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Đại sứ Nguyễn Phương Nga. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, năm 2022, đối ngoại nhân dân đã có những bước thành công bất chấp khó khăn, thách thức trên nhiều khía cạnh. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thành tựu của đối ngoại nhân dân cùng như kỳ vọng trong năm 2023.
Năm 2022, cùng với hai trụ cột đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã có bước khởi sắc và bứt phá sau một thời gian dài bị gián đoạn. Đại sứ đánh giá như thế nào về những kết quả, thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân năm vừa qua?
Cùng với các thành tựu đối ngoại chung của cả nước trong năm 2022, đối ngoại nhân dân đã có một năm rất thành công, đạt được hầu hết nhiệm vụ lớn trong năm. Các hoạt động đối ngoại nhân dân được triển khai với hình thức và nội dung đa dạng theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bảo đảm kế hoạch và yêu cầu đề ra.
Triển khai trọng tâm đối ngoại năm 2022 với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, Liên hiệp đã tham gia và trực tiếp chủ trì nhiều hoạt động nổi bật trên cả bình diện song phương, đa phương, với nhiều hình thức, quy mô đa dạng. Có thể kể tới các hoạt động có sức lan tỏa lớn trong khuôn khổ Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022; Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022; qua đó góp phần vun đắp, củng cố hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với hai nước láng giềng thân thiết này.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới; qua đó cho thấy đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung.
Bên cạnh đó, năm 2022, chúng ta hết sức nỗ lực vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra để tiếp tục tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngay cả trong điều kiện mới. Chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc... Thông qua các hoạt động này, chúng ta đã góp phần mở rộng, thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Một trong những điểm nổi bật của năm 2022 là sự gắn kết giữa Trung ương và địa phương trong công tác đối ngoại nhân dân. Các hoạt động hữu nghị, hòa bình, đoàn kết nhân dân không chỉ được tổ chức trong phạm vi các cơ quan, các tổ chức hữu nghị ở Trung ương mà được tổ chức ở rất nhiều địa phương, tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”. Do vậy, Liên hiệp cùng các tổ chức thành viên đã cố gắng để các hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng trở nên thiết thực, gắn sát hơn nữa với các mục tiêu phát triển của đất nước.
Cũng với tinh thần như vậy, năm 2022, chúng ta đã có một văn bản chỉ đạo mới-Nghị định số 58/2022/NĐ-CP của Chính phủ, về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Trong năm qua, Liên hiệp với tư cách là đầu mối, cơ quan chuyên trách về vận động phi chính phủ nước ngoài đã nỗ lực thông tin tới các tổ chức phi chính phủ nước ngoài về những chủ trương, chính sách và khung pháp lý của Việt Nam đối với các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai hoạt động tại Việt Nam trong điều kiện cả thế giới đang phục hồi sau COVID-19. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguồn lực bên ngoài ngày càng trở nên khan hiếm, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong năm 2022 vẫn đạt kết quả khả quan với tổng giá trị viện trợ hơn 200 triệu USD.
Bên cạnh những thành tựu đó, hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam năm qua có những hạn chế và khó khăn gì thưa Đại sứ? Liên hiệp đã rút ra những bài học kinh nghiệm như thế nào để năm 2023, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa?
Năm 2022, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Những biến động về địa chính trị, cạnh tranh chiến lược rất gay gắt giữa các nước lớn, nguy cơ khủng hoảng kinh tế, sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, lạm phát... là khó khăn mà tất cả quốc gia đều phải đối mặt. Trong bối cảnh ấy, hoạt động đối ngoại nhân dân vấp phải nhiều khó khăn.
Tình hình quốc tế phức tạp cũng tác động đến lập trường, quan điểm của các tổ chức đối tác bạn bè của Việt Nam, khiến đôi lúc giữa các bên có những quan điểm khác biệt, cái nhìn không đồng nhất. Việc duy trì quan hệ hợp tác, tìm tiếng nói chung trở thành điều kiện tiên quyết. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải kiên định lập trường, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước “chọn công lý, chọn lẽ phải chứ không chọn bên”.
Đối với những bài học kinh nghiệm rút ra được qua thực tiễn năm 2022, tôi cho rằng, bài học đầu tiên là cần quán triệt sâu sắc, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt là những chủ trương, đường lối mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra. Đối ngoại nhân dân phải được thực hiện một cách hài hòa để vừa đáp ứng được lợi ích quốc gia dân tộc nhưng đồng thời cũng đóng góp vào những lợi ích chung của nhân loại, vì sự tiến bộ, công bằng và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa 3 trụ cột đối ngoại: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Đồng thời, phát huy sức mạnh đồng bộ của các tổ chức làm công tác đối ngoại Nhân dân từ Trung ương đến địa phương, qua đó giúp các hoạt động của Liên hiệp ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, có chiều sâu.
Công tác đào tạo cán bộ, đội ngũ chuyên trách làm công tác đối ngoại Nhân dân cũng rất cần thiết bởi chủ trương đặt ra thì phải có người thực hiện. Yếu tố con người là rất quan trọng. Công tác cần phải có quyết tâm, sáng tạo và đổi mới.
Đại sứ kỳ vọng như thế nào về công tác đối ngoại nhân dân năm 2023?
Năm 2023, chủ đề của hệ thống Liên hiệp sẽ là “Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Chúng tôi xác định mục tiêu này dựa trên ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta coi năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong quá trình khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, đây là năm quyết định khi chúng ta đang tập trung mọi nỗ lực để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cũng là để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững. Nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân cũng là một trong những trụ cột của đối ngoại, có sứ mệnh, vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Xác định theo chủ đề như vậy, ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục phát huy hiệu quả các quan hệ đối ngoại Nhân dân, đưa đối ngoại Nhân dân đi vào chiều sâu hơn nữa, tăng cường hơn nữa tính thiết thực và hiệu quả.
Năm 2023, chúng ta sẽ có nhiều dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước. Đây là cơ hội để Việt Nam thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thiết thực tăng cường hợp tác, gắn chặt với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để huy động nguồn lực cả về vật chất cũng như về tri thức, kinh nghiệm, công nghệ... đóng góp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ.
 

Tác giả bài viết: Thu Phương (TTXVN)

Nguồn tin: Báo Mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây