https://huunghi.haugiang.gov.vn


Công tác phi chính phủ nước ngoài đạt nhiều kết quả

Công tác phi chính phủ nước ngoài đạt nhiều kết quả
Nhiều công trình giúp kết nối đôi bờ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tại Hậu Giang.
Thời gian qua, công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã bám sát trọng tâm, đúng quy định pháp luật. Các nội dung hợp tác đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nhân đạo, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức PCPNN hoạt động
Chỉ tính riêng 2022, Hậu Giang đã tiếp nhận 15 khoản viện trợ PCPNN, với tổng mức đầu tư khoảng 13,7 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai gần 270 khoản viện trợ, với tổng kinh phí tương đương hơn 392 tỉ đồng.
Bà Helen Christina Pistolas, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Christina Noble Children’s Foundation, cho biết: “Đã thực hiện một vài dự án tại đây, như dự án thư viện và có một số dự án đang được tiến hành và sẽ ngày càng có nhiều dự án hơn nữa sẽ được thực hiện tại Hậu Giang trong thời gian tới. CNCF đã hoạt động ở Việt Nam 33 năm và tôi nhận thấy họ thật sự quan tâm tới người dân, trẻ em tại tỉnh. Chính sự quan tâm, nhiệt huyết từ Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Hậu Giang làm chúng tôi muốn hỗ trợ cho tỉnh”.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh, cho rằng thời gian qua tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN đến hoạt động trên địa bàn tỉnh; tổ chức kết nối, gặp gỡ thông qua các chuyến thăm và chúc tết hàng năm đối với các tổ chức phi chính phủ và Tổng lãnh sự quán các nước và nhân ngày kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Vương Quốc Anh, Thái Lan...
Cũng theo ông Lê Minh Tuấn, thông qua việc chia sẻ thông tin tại hội nghị thường niên với các tổ chức PCPNN đã giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đảm bảo vốn đối ứng của địa phương để cùng với các nhà tài trợ thực hiện các khoản viện trợ... Các cơ quan tham mưu và chính quyền các cấp đã thực hiện tốt công tác  quản lý, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức PCPNN, phối hợp tốt trong thực hiện quản lý viện trợ, quản lý các dự án; đối tác địa phương tăng tính chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai thực hiện dự án, tạo được uy tín với nhà tài trợ.
Về hướng tới, Hậu Giang tập trung tổ chức triển khai quán triệt đến các cấp, các ngành nắm vững các thông tin, kế hoạch về công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh và Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Tăng cường phối hợp quản lý, giám sát công tác xúc tiến, vận động viện trợ PCPNN và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; bảo đảm tốt công tác an ninh đối với các hoạt động của các tổ chức PCPNN gắn với công tác phòng ngừa hoạt động lợi dụng các tổ chức PCPNN xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chuyển biến tích cực
Thông tin đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác PCPNN mới đây cho thấy, cả nước hiện có 388 tổ chức PCPNN đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký và hoạt động thường xuyên ở Việt Nam. Các tổ chức PCPNN đã đóng góp tích cực cho Việt Nam trên mặt trận đối ngoại, lên tiếng ủng hộ Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn quốc tế. Hầu hết các dự án hỗ trợ từ tổ chức PCPNN đều phù hợp với nhu cầu, đạt hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Giá trị viện trợ của các tổ chức PCPNN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài giải ngân cho Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 223,7 triệu USD. Con số này giảm gần 10 triệu USD so cùng kỳ 2021 và tương đương giá trị viện trợ của năm 2020 (220,7 triệu USD), tỷ lệ giải ngân đạt 77,1% so cam kết của cả năm 2022. Việc tiếp tục duy trì giá trị viện trợ hơn 200 triệu USD là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự chung tay, đồng lòng của các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, đối tác và địa phương của Việt Nam trong quan hệ, hợp tác với các tổ chức PCPNN.
Năm qua, các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác PCPNN tiếp tục được duy trì và đạt nhiều kết quả tốt. Công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tiếp tục được bảo đảm thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, công tác tham mưu xây dựng chính sách hiệu quả với nhiều văn bản liên quan công tác PCPNN, nhất là Nghị định số 58 mới thay thế Nghị định 12 được Chính phủ ban hành ngày 31-8-2022 đã có tác động mạnh mẽ đến công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Công tác thực hiện các thủ tục hành chính liên quan giấy đăng ký, thị thực,… có nhiều chuyển biến tích cực, nhanh chóng, hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN Hà Kim Ngọc đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCPNN năm 2022. Đồng thời, xác định năm 2023 là năm tạo bước đột phá cải cách hành chính trong công tác PCPNN.
“Các bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục quán triệt các chỉ đạo của Đảng về PCPNN; nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn, quy trình, cơ sở dữ liệu theo Nghị định số 58 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Song song việc xây dựng cơ sở dữ liệu về PCPNN các cơ quan, địa phương chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phản hồi ý kiến về các hồ sơ, giấy đăng ký kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng chậm, muộn trong giải quyết các thủ tục hành chính; chủ động phát huy vai trò trong việc kết nối, theo dõi tình hình, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…”, ông Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
 

Tác giả bài viết: Mộng Toàn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây