https://huunghi.haugiang.gov.vn


Chuyên gia Quốc tế nói gì về nghệ thuật “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam?

Chuyên gia Quốc tế nói gì về nghệ thuật “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam?
Giới chuyên gia nước ngoài nhận định, đường lối ngoại giao Đảng đề ra đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu (Ảnh: Reuters).
Báo chí và các chuyên gia nước ngoài đánh giá trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam như nghệ thuật bám rễ chắc chắn, nhưng thích ứng linh hoạt trước những biến động chính trị trên toàn cầu.
Trong một bài viết đăng tải hồi tháng 9 năm ngoái, báo India Times (Ấn Độ) nhìn nhận, những năm gần đây, giới quan sát đã chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng thuật ngữ "ngoại giao cây tre" trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Báo Ấn Độ cho rằng, trường phái này được xem là một phần làm nên những thành tựu ngoại giao của Việt Nam kể từ công cuộc Đổi Mới năm 1986 và đây là một trong những bài học mà các nước nhỏ, tầm trung có thể áp dụng để ứng phó với những diễn biến phức tạp của chính trị toàn cầu.
Nghệ thuật ngoại giao
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vào năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trong 70 năm, ngoại giao Việt Nam đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định vai trò của đối ngoại là một phương thuốc hòa bình, thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp. Kể từ đó, khái niệm "ngoại giao cây tre" bắt đầu được nhắc tới nhiều lần như "kim chỉ nam" cho chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tổ chức vào năm 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh tới quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã đặt nền móng trực tiếp và chỉ đạo, dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt, phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ, biết mình, biết người; luôn làm chủ tình thế, đặc biệt coi trọng xử lý quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, chủ động giữ thể diện cho nước lớn, cương - nhu kết hợp vì lợi ích tối cao của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trường phái ngoại giao Việt Nam rất độc đáo và đặc sắc, và có thể được gọi là "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Tổng Bí thư giải thích, ông có cách so sánh như vậy là vì cây tre là rất mềm dẻo nhưng lại kiên cường. "Khi là măng thì măng mọc thẳng, rồi đẻ ra thành khóm thành bụi, rễ chằng chịt với nhau… Rễ tre bám rất chắc với nhau, rất mềm mại. Khi chẻ lạt thì lạt mềm buộc chặt. Tôi mạnh dạn ví đường lối đối ngoại của chúng ta là trường phái riêng, tạm gọi là cây tre Việt Nam. Gốc vững chắc, cành uyển chuyển. Cây tre Việt Nam, mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường", Tổng Bí thư phân tích.
India Times nhận định, "ngoại giao cây tre" được xem là nghệ thuật của việc "bám rễ chắc chắn nhưng uốn mình linh hoạt theo hướng của những cơn gió chính trị".
"Việc ví chính sách ngoại giao với cây tre thể hiện một cách hoàn hảo chiến lược của Việt Nam khi phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang giữa các cường quốc - vốn là một thách thức lớn với triển vọng về an ninh quốc gia. Ngoại giao cây tre đề cập tới kinh nghiệm của Việt Nam trong việc cân bằng những lợi ích địa chính trị xung đột lẫn nhau trong tình hình quốc tế ngày càng phân cực. Trong văn hóa châu Á, hình ảnh cây tre đã ăn sâu vào tiềm thức. Chính sách ngoại giao của Việt Nam dựa trên nền tảng độc lập và lợi ích quốc gia một cách linh hoạt và thực tế", trang tin viết.
Theo India Times, để tối đa hóa lợi ích, đồng thời bảo vệ mình trước những biến động chiến lược, Việt Nam đã sử dụng chính sách "ngoại giao cây tre" để duy trì vị thế độc lập và cân bằng với tất cả các nước lớn. Theo giới quan sát, những thành công của ngoại giao của Việt Nam trong những năm gần đây đã mang lại một nền tảng thực nghiệm vững chắc cho trường phái "ngoại giao cây tre".
India Times cho rằng, từ sau Đổi mới, Việt Nam đã lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm trung tâm và thực hiện các nguyên lý độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Kết quả là, Việt Nam đã có thể thiết lập nhiều mối quan hệ chiến lược và toàn diện, duy trì mức độ phát triển kinh tế xã hội cao và nâng cao uy tín cả trong nước và quốc tế.
Trong một báo cáo đăng vào tháng 11/2022 của Quỹ chính trị Konrad-Adenauer-Stiftung (Đức), hai chuyên gia Florian C. Feyerabend, Lara Morlang nhìn nhận, thuật ngữ "ngoại giao cây tre" mô tả chiến lược cân bằng của Việt Nam trong các "rạn nứt quốc tế" khi nó thể hiện sự linh hoạt, lấy độc lập và lợi ích quốc gia làm gốc vững chắc. Động lực của "ngoại giao cây tre" là theo đuổi độc lập và giữ khoảng cách bình đẳng với tất cả các cường quốc nhằm mục đích tối đa hóa lợi thế của chính mình và bảo vệ chính mình trước những điều không thể lường trước.
 
Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), nhận xét: "Tre là một loại cây mảnh khảnh, nhưng nó không yếu ớt mà kiên cường hơn nhiều loại cây khác khi đối mặt với gió mạnh. Sử dụng cây tre như một phép ẩn dụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ủng hộ một chính sách đối ngoại kết hợp linh hoạt trong chiến thuật và vững chắc trong nguyên tắc, do đó dẫn đến sự kiên cường".
Trong bài viết hồi tháng 10/2022 trên tạp chí The Diplomat, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch John Nielsen, cựu Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào nhiệm kỳ 2010-2015, cho biết: "Để áp dụng các chính sách đối ngoại, Việt Nam đã chủ động mở rộng phạm vi quan hệ đối ngoại bằng cách thiết lập quan hệ đối tác, tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đồng thời xây dựng chủ nghĩa đa phương tích cực hơn".
"Việt Nam đã xây dựng mạng lưới rộng khắp gồm 17 quan hệ đối tác chiến lược và 13 quan hệ đối tác toàn diện, cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ với nhiều quốc gia khác. Việt Nam cũng ký kết 18 hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Vào tháng 5 năm nay, Việt Nam đã tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), một sáng kiến của Mỹ", chuyên gia Đan Mạch viết.
"Các quan hệ đối tác và hiệp định thương mại tự do này đã tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường mới, công nghệ mới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ và các hiệp định ưu đãi. Những điều này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong hơn 30 năm qua. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất ở châu Á, với giá trị thương mại hàng hóa gấp đôi GDP", ông Nielsen chỉ ra.
"Về các cam kết đa phương, Việt Nam đã trở thành một bên tham gia tích cực và rõ ràng hơn, đặc biệt là trong thập niên vừa qua. Việt Nam bắt đầu tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014 và được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam cũng đóng một vai trò ngày càng tích cực trong ASEAN: Quốc gia này đã kiên quyết tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc ngoại giao khu vực và đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch luân phiên của khối ở thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020", nhà cựu ngoại giao Đan Mạch đánh giá.
Theo ông Nielsen, Việt Nam hiện đang được nhiều quốc gia quan tâm đến do "vị trí địa chính trị và nền kinh tế đang bùng nổ" và Việt Nam được xem là "một cường quốc tầm trung mới nổi".
Trung lập giữa "vòng xoáy" địa chính trị nước lớn
Từ trước tới nay, cường quyền của các nước lớn vốn là điều tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử thế giới. Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng, các động thái của các cường quốc luôn có tác động tới khu vực và thậm chí trên toàn cầu.
Ở một góc nhìn rộng hơn, địa chính trị nước lớn không chỉ là cường quyền mà còn mang theo ý nghĩa tập hợp, tức là sự "cọ xát" giữa các nước lớn để tập hợp lực lượng về phía mình. Trong hoạt động tập hợp lực lượng, có cả yếu tố gây sức ép, cạnh tranh. Trong "bàn cờ" này, có sự đối đầu giữa nước lớn với nước lớn, nước lớn với nước nhỏ, và cách ứng xử đáp lại của nước nhỏ.
Thế giới trong những năm qua đã chứng kiến sự cạnh tranh của các cường quốc, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây thể hiện trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tất cả những cuộc cạnh tranh của các cường quốc về kinh tế, quân sự, chính trị đều tác động mạnh mẽ tới tình hình thế giới.
Chuyên gia Shivshankar Menon của Đại học Ashoka (Ấn Độ) cho rằng, những diễn biến thời gian qua sẽ là chất xúc tác cho "Phong trào Không Liên kết" tiếp tục phát triển. Giữa một thế giới hợp tác với nhau sâu rộng hơn, việc chọn con đường không liên kết, hay thường được gọi bằng cái tên là "tự chủ chiến lược", được xem là phương án mà nhiều quốc gia hướng tới vì họ nhìn nhận sự phân cực trên toàn cầu sẽ phương hại tới lợi ích của họ hơn là mang lại tác động tích cực.
Trong một sự kiện do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức hồi tháng 3/2022 ở Hà Nội, nguyên Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Cường nhận định, trong một thế giới nơi các cuộc cạnh tranh và cọ xát giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn, các nước nhỏ và tầm trung cần theo đuổi việc đa dạng hóa quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh không để chỉ phụ thuộc vào bất cứ một bên nào.
Mặt khác, cũng trong sự kiện trên, nguyên Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh cho hay, khi nhắc tới cường quyền, các nước nhỏ và tầm trung sẽ coi đây là yếu tố nguy hiểm, nhưng xét trên quy mô rộng hơn là địa chính trị nước lớn, thì nó mang lại không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho các nước nhỏ và tầm trung có không gian để "đan xen lợi ích, hợp tác để nâng vị thế của quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu".
Thêm vào đó, với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc, ngoại giao Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức.
Ông John Nielsen, cựu Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cho biết: "Chiến lược ngoại giao của Việt Nam đã khá thành công trong những thập niên gần đây, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những áp lực từ tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực và cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn".
"Cho đến nay, chiến lược ngoại giao của Việt Nam đã khiến nước này không nghiêng về quá gần cũng như không đi quá xa các cường quốc, đồng thời vẫn tạo cho Việt Nam khả năng linh hoạt. Chiến lược ngoại giao được xem đóng vai trò then chốt giúp Việt Nam xác định con đường phát triển của chính mình", ông đánh giá.
Trong một bài viết trên chuyên trang về địa chính trị châu Á Asia Times, nhà phân tích Pepe Escobar cho rằng, các nước châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á, nên theo đuổi con đường ngoại giao trung lập trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang nóng lên trong nhiều năm qua. Ông cũng đánh giá cao trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một ý tưởng rất hay về khái niệm ngoại giao cây tre: Mềm mỏng, khéo léo, kiên trì và kiên quyết", ông Escobar nhận định.
 

Tác giả bài viết: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân Trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây