https://huunghi.haugiang.gov.vn


Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile, Peru: Tăng cường tin cậy chính trị, khai thác dư địa hợp tác

Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile, Peru: Tăng cường tin cậy chính trị, khai thác dư địa hợp tác
Chủ tịch nước Lương Cường. (Ảnh: TTXVN)
Từ ngày 9-16/11, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru. Chuyến công du này không chỉ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương mà còn nhằm tăng cường vai trò của Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 tổ chức tại Lima, Peru.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile từ ngày 9-12/11; thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru từ ngày 12-16/11.

Thúc đẩy quan hệ song phương với Chile và Peru

Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương.

Về song phương, chuyến thăm sẽ góp phần tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai thác hiệu quả những dư địa hợp tác, thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với hai nước cũng như khu vực Mỹ Latinh, đồng thời tăng cường phối hợp với các nước trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Đối ngoại nhân dân là một điểm sáng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Chile.

Những năm qua, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Chile đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Các loại hình hoạt động trên nhiều lĩnh vực không chỉ hoạt động tuyên truyền có tính bề nổi như lễ tân, khánh tiết mà gắn với việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch... giao lưu, quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Chile.

Với Chile, đây là chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende - sự kiện đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Chile hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực, là nước Mỹ Latinh đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (năm 2014). Kim ngạch thương mại hai chiều trong hơn 1 thập kỷ đã tăng gấp 4 lần, đạt 1,5 tỷ USD năm 2023. Chuyến thăm sẽ đem đến “sức sống mới” cho quan hệ Việt Nam-Chile, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác.

Đối với Peru, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam, nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới.

Peru hiện là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh; là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 500 triệu USD, và trong 7 tháng đầu năm nay đã đạt gần 300 triệu USD.

Truyền tải thông điệp về khát vọng vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC là dịp để Chủ tịch nước gặp gỡ, tiếp xúc với các Nhà Lãnh đạo APEC, trong đó có nhiều đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của Việt Nam, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC.

Về đa phương, việc Chủ tịch nước tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn, tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực; tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 77% thương mại, 81% đầu tư trực tiếp nước ngoài và 85% lượng khách du lịch vào Việt Nam.

Là chủ nhà của Năm APEC 2027, đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 mà nước ta đã khởi xướng và tham gia xây dựng cùng với các thành viên từ năm 2017.

Điểm lại những đóng góp nổi bật của Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên từ năm 1998, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 và các cuộc họp liên quan cũng như Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực.

"Việc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo những xung lực mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Peru bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất, hiệu quả hơn, đồng thời, khẳng định tâm thế mới, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng

Chủ tịch nước sẽ nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng.

Chủ tịch nước cũng sẽ truyền tải thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, những định hướng lớn về phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là một trong những ưu tiên hàng đầu, kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp khu vực tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Trao đổi với phóng viên báo Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Peru tại Việt Nam Patricia Yolanda Ráez Portocarrero cho biết, đầu tư của Việt Nam là nhân tố then chốt gắn kết quan hệ song phương.

Các doanh nghiệp Việt Nam như Bitel (Viettel) và PetroVietnam đóng vai trò chủ chốt trong phát triển viễn thông và năng lượng của Peru. Kể từ khi thành lập năm 2014, Bitel đã không ngừng mở rộng hạ tầng viễn thông tại Peru, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. PetroVietnam cũng đang tích cực đầu tư vào khai thác dầu khí, nâng cao hợp tác năng lượng, đánh dấu Việt Nam là đối tác chiến lược của Peru trong lĩnh vực này.

Tác giả bài viết: Phan Anh t/h

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây