Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Ngành Ngoại giao cần chủ động ứng phó với các khó khăn, thách thức
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Ngành Ngoại giao cần chủ động ứng phó với các khó khăn, thách thức
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Ngoại giao chiều ngày 8/7.
Trong một buổi làm việc, Hội nghị sơ kết được chia làm hai phiên họp: về công tác đối ngoại và công tác xây dựng ngành. Tại các phiên họp, các đại biểu ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc, đánh giá những diễn biến mới đáng chú ý trong tình hình thế giới và khu vực cũng như kết quả triển khai công tác đối ngoại, công tác xây dựng ngành trong nửa đầu năm 2022. Qua đó, Hội nghị xác định những phương hướng lớn cần ưu tiên trong công tác 6 tháng cuối năm 2022.
Các đại biểu thống nhất đánh giá tình hình thế giới những tháng đầu năm diễn biến phức tạp nhất trong nhiều năm trở lại đây, cả về chính trị và kinh tế dù đã thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Đặc biệt, các xung đột xảy ra gần đây, xu thế tái cơ cấu kinh tế thế giới, xu hướng xanh hóa, số hóa nền kinh tế…
Trong bối cảnh thuận lợi đan xen với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, các đại biểu cũng nhận định, với xung lực là thành công của Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ các mặt, đạt kết quả khá toàn diện và đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của đất nước.
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao đã sớm nhạy bén chuyển trạng thái đối ngoại sang điều kiện bình thường, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển đất nước và tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam; Tiếp tục củng cố, giữ được đà quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là các nước láng giềng; Ứng xử tối ưu, phù hợp tại các diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là tại Liên hợp quốc và ASEAN.
Các tham luận tại Hội nghị cũng cho thấy Bộ Ngoại giao đã đánh giá đúng tình hình, tham mưu và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ; triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số; tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như công tác ngoại giao văn hóa. Công tác phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành được chú trọng và triển khai hiệu quả.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chính sách đối ngoại tiếp tục được nâng cao chất lượng; công tác hội nhập, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển được đẩy mạnh, chú trọng xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương, thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trên thế giới.
Về công tác xây dựng ngành, các đại biểu đánh giá trong bối cảnh đời sống cán bộ còn khó khăn, từ đầu năm 2022, công tác nội bộ tiếp tục được giữ vững, củng cố, đoàn kết. Công tác quản lý biên chế cán bộ, đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng của Bộ được thực hiện nghiêm túc; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trí tuệ, bản lĩnh, tận tâm, chuyên nghiệp. Công tác Đảng và đoàn thể tích cực thực hiện việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng đến toàn thể cán bộ, nhân viên ở trong nước tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực to lớn của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Ngoại giao nhằm khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, triển khai thành công các nhiệm vụ đối ngoại thời gian qua.
Bộ trưởng cho rằng, cục diện thế giới hiện nay đang chịu tác động to lớn chưa từng có, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề, xu thế mới. Do đó, đội ngũ cán bộ đối ngoại cần chủ động ứng phó với các khó khăn, thách thức; luôn quán triệt, bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; triển khai đồng bộ đối ngoại, cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Bộ trưởng cũng đề nghị, Bộ tiếp tục làm tốt công tác dự báo tình hình, nghiên cứu, tham mưu; ưu tiên xây dựng các chiến lược, đề án quan trọng. Ngành cần bám sát thực tiễn, các trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, triển khai đồng bộ, toàn diện cả ngoại giao song phương và đa phương; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Về xây dựng ngành, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị toàn ngành đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nhạy bén, biến nguy thành cơ; tiếp tục hoàn thiện Chiến lược xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại; xây dựng văn hóa công sở, tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp, khoa học, hiện đại, sớm ban hành hành Quy chế làm việc mới; đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, công tác kiểm tra, giám sát… để cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Tác giả bài viết:
Anh Sơn
Nguồn tin:
Báo Mới