https://huunghi.haugiang.gov.vn


Belarus và Việt Nam cùng chia sẻ "những ký ức không quên"

Belarus và Việt Nam cùng chia sẻ "những ký ức không quên"
Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: BTLSQSVN)
Với hơn 250 tài liệu, hình ảnh phản ánh về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại; Belarus hồi sinh; Việt Nam - Belarus hợp tác cùng phát triển, triển lãm “Những ký ức không quên” góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Belarus. Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Belarus tại Việt Nam khai mạc ngày 2/7.
"Phần mở đầu" giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu về địa danh, công trình của đất nước Belarus được tái thiết sau chiến tranh vệ quốc trở thành di sản văn hóa - những ký ức không thể lãng quên của nhân dân Belarus và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Phần này cũng giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu phản ánh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Nhà nước, Chính phủ, nhân dân và Quân đội Việt Nam - Belarus trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai đất nước.

"Phần 1 - Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại" giới thiệu những hình ảnh, tài liệu phản ánh tội ác của phát xít Đức đối với nhân dân Belarus trong chiến tranh xâm lược Belarus (1941-1944); cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân Belarus trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại giải phóng đất nước.

"Phần 2 - Belarus hồi sinh" trưng bày về những hình ảnh, các công trình văn hóa, di tích, các địa danh lịch sử của đất nước Belarus được tái thiết, khôi phục lại sau chiến tranh, những di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Belarus.

"Phần 3 - Việt Nam - Belarus hợp tác cùng phát triển" trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh quan hệ hỗ trợ, giúp đỡ giữa hai quốc gia Việt Nam - Liên bang Xô Viết trước đây, Việt Nam và Belarus ngày nay trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước; góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước; thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước Việt Nam - Belarus lên tầm cao mới.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou cho biết: “Ngày 3/7 là một ngày đặc biệt đối với mỗi người dân Belarus. Ngày này nhắc nhở tất cả chúng tôi về cái giá khủng khiếp mà đất nước và toàn thể nhân dân Liên Xô đã phải trả cho chiến thắngchủ nghĩa phát xít.

Những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm hôm nay chỉ phản ánh một phần nhỏ những tội ác này, những tội ác không có thời hiệu. Những thử thách khó khăn nhất trong những năm qua đã dạy nhân dân chúng tôi quý trọng hòa bình, rèn luyện và khiến chúng tôi tự tin vào sức mạnh và sự thật của mình, điều mà không ai có thể lấy đi được. Nhiệm vụ thiêng liêng của chúng tôi là bảo tồn ký ức và sự thật về cuộc chiến. Đồng thời không cho phép bất kỳ ai xóa khỏi lịch sử và ý thức của không chỉ người dân đất nước chúng tôi còn của người dân của nhiều quốc gia trên thế giới".
 

belarus va viet nam cung chia se nhung ky uc khong quen 20240703093910
Đại sứ Uladzimir Baravikou ghi sổ cảm tưởng. (Ảnh: BTLSQSVN)

Theo Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, triển lãm nhằm vinh danh và tưởng nhớ cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của Hồng quân Liên Xô và nhân dân Belarus trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức giải phóng đất nước Belarus. Đồng thời cho thấy một đất nước Belarus ngày nay tươi đẹp, nhiều di sản văn hóa đặc sắc và những thành tựu trong hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Belarus vì hòa bình và thịnh vượng. Đây cũng là một trong những hoạt động hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại quốc gia Belarus chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày giải phóng Belarus và 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 7/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

Tác giả bài viết: Minh Thái

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây